“Chọi trâu Đồ Sơn chỉ là thứ trò chơi núp bóng lễ hội”
Liên quan đến sự cố đau lòng vừa mới xảy ra tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng khiến 1 chủ trâu thiệt mạng bởi chính trâu chọi của mình, Giáo sư Trần Lâm Biền đã có những bày tỏ thẳng thắn qua cuộc trao đổi với PV VOV.VN.
PV: Thưa Giáo sư, sự cố đau lòng vừa mới xảy ra ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đang khiến dư luận xôn xao. Là một chuyên gia nghiên cứu về di sản, văn hóa, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Theo ông, lễ hội chọi trâu này đã đến lúc cần loại bỏ?
GS Trần Lâm Biền: Tôi cho rằng chọi trâu ở Hải Phòng hiện nay không phải là lễ hội mà chỉ là một trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người. Nó hoàn toàn không gắn với lễ hội chọi trâu truyền thống. Một lễ hội chọi trâu truyền thống phải có sinh hoạt tâm linh, phải tái hiện được ý nghĩa sự tích chứ không phải chỉ là đem trâu ra chọi nhau để kích thích tính hiếu kỳ. Theo tôi, nếu là lễ hội kích thích sự hiếu kỳ thì nên bỏ. Còn với những lễ hội chọi trâu truyền thống thì phải nên duy trì.
Giáo sư Trần Lâm Biền. Ảnh: K.T |
PV: Vậy theo Giáo sư, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đang bị biến tướng và khác với lễ hội chọi trâu truyền thống như thế nào?
GS Trần Lâm Biền: Đừng nên gọi việc chọi trâu ở Đồ Sơn hiện nay là lễ hội, càng không đáng để gọi là là lễ hội truyền thống vì quá xa rời với bản chất đẹp đẽ mà ông cha đã tạo ra. Đó chỉ còn là một thứ trò chơi núp bóng lễ hội cũ, mượn danh thượng võ để nhằm đạt được ý đồ khác.
Chọi trâu Đồ Sơn hiện nay không phải theo yêu cầu về sinh hoạt tâm linh. Người ta đã đưa nó vượt ra khỏi không gian làng xã. Một khi thứ nào đó vượt ra khỏi không gian làng xã của nó, cả không gian địa lý và không gian tâm linh thì nó không còn là nó nữa. Cho nên phải bỏ trò chơi chọi trâu hiện nay chứ không phải là lễ hội chọi trâu truyền thống.
PV: Giáo sư có thể phân tích thêm về ý nghĩa tốt đẹp của một lễ hội chọi trâu truyền thống?
GS Trần Lâm Biền: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thực chất là một lễ hội cầu yên hòa cho những người đi biển. Hình ảnh sừng trâu là biểu tượng của mặt trăng, thủy trăng. Khi chọi, sừng của con trâu như mặt trăng lưỡi liềm. Hành động trâu húc nhau giống như sự vận động của thủy triều. Kết thúc lễ hội chọi trâu, người xưa sẽ lấy con trâu khỏe nhất đưa ra xa biển như một sự hiến tế cho thần biển để từ từ đó cầu mong sự yên hòa cho con đường đi biển.
Hiện nay, cả nước có nhiều địa phương vẫn duy trì lễ hội chọi trâu truyền thống. Có những nơi người ta vẫn giữ được vẻ đẹp của nghi thức chọi trâu như ở làng Hiếu Giang bên bờ sông Thạch Hãn. Ở đó, người ta không cần trâu mà đẩy cao lên hình tượng hóa bằng 2 cái đầu trâu do hai người khỏe mạnh chui vào và húc nhau. Nghi lễ đó được tái hiện với mong muốn nhắn nhủ trời biển hãy theo cách gợi ý của con người mà đem đến sự yên hòa, không có sóng to, mà chỉ có biển lặng để con người ra khơi. Ý nghĩa của lễ hội truyền thống đẹp đẽ như thế không thể vì một lý do nào đó để bỏ đi được.
Nhưng ở Đồ Sơn thì khác. Chọi trâu Đồ Sơn bây giờ không còn có những nghi lễ đó nữa. Nó không những biến tướng mà còn bị lợi dụng để làm kinh doanh, để thương mại đến trần trụi một lễ hội truyền thống.
Hình ảnh chú trâu chọi húc trọng thương người chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra ngày 1/7 mới đây. Ảnh: Phong Pink |
PV: Trong sự việc này, theo ông trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương như thế nào trong việc để một lễ hội bị biến tướng như vậy?
GS Trần Lâm Biền: Sự biến tướng, bị lợi dụng đó là do lãnh đạo địa phương không hiểu được bản chất của lễ hội. Vì thế mà họ đã dễ dãi cho tổ chức các hoạt động trá hình lễ hội chọi trâu truyền thống nhằm lôi kéo đám đông, thu hút khách du lịch.
Thực tế, sự biến tướng của chọi trâu Đồ Sơn đã được các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo hơn chục năm nay.
Những tiêu cực, tai họa, hệ lụy như một điều tất yếu, trước sau sẽ xảy ra. Bởi ở đó chỉ còn sự kinh doanh và hiếu kỳ, chứ không còn là lễ hội truyền thống.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.