Cho ý kiến việc điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh 2017
Sáng 13/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5, cho ý kiến vào đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với những thay đổi cơ bản về quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đối với 11 dự án Luật. Trong đó, đáng chú ý là đề nghị thay đổi từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thành Bộ luật Lao động (sửa đổi) và lùi thời hạn trình tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Qua đánh giá tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, Chính phủ nhận thấy, số lượng điều luật và nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung là rất lớn, cụ thể sửa đổi, bổ sung 90 điều, bãi bỏ 27 điều. Một số nội dung tương đối phức tạp như quy định về tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu…
Có 2 dự án Luật thuộc chương trình năm 2017 phải xin lùi thời hạn trình là Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, những dự án Luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm: “Khi ban hành một luật về con người, bộ máy, ngân sách phải bảo đảm luật đó sẽ được thực thi. Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều chính sách ban hành ra chậm đi vào cuộc sống. Không thể để tồn tại mãi tình trạng chính sách được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống”.
Riêng dự án Luật về hội, thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và ý kiến của các hội, các nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án phức tạp, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, Chính phủ chưa đề xuất đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc để lại Luật về Hội để tiếp tục nghiên cứu là rất đáng tiếc. Đáng ra việc dự án luật còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu lại phải được phát hiện sớm hơn, chứ không để trình ra kỳ họp thứ 2 và bây giờ tiếp tục để lại.
Về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, dự án Luật này đã được chỉnh lý hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm nay. Ủy ban Pháp luật thống nhất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5./.