Chính sách nào để chuyên nghiệp hóa giáo viên?
Theo Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về dạy học chuyên nghiệp được tổ chức thường niên bởi các nước OECD, có 6 hành động quan trọng cần thiết để thực hiện cải cách giáo dục.
PGS.TS. Nguyễn Thúy Hồng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ thông tin tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về dạy học chuyên nghiệp được tổ chức thường niên bởi các nước OECD.
OECD là diễn đàn trao đổi về xây dựng các chính sách và kinh nghiệm thực tiễn trong hỗ trợ phát triển nghề nghiệp hiệu quả cho các giáo viên và lãnh đạo trường phổ thông ở các quốc gia OECD và các nước/vùng lãnh thổ tham gia đánh giá PISA, TALIS.
Hội nghị ISTP lần thứ 6 tại Cộng hòa Liên bang Đứccó Chủ đề chính là "Đào tạo và phát triển nghề cho giáo viên”. Các phiên họp theo các chuyên đề tại ISTP đã giải quyết các câu hỏi sau: Những kiến thức, kinh nghiệm và phẩm chất nào dẫn đến sự thành công của người giáo viên? Những chính sách nào giúp nâng cao năng lực của giáo viên để họ có thể chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy? Thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp của giáo viên sẽ có những thách thức và cơ hội gì?
Trong hầu hết các hệ thống giáo dục có hiệu quả cao (Úc, Canada, Phần Lan, Hồng Kông, Trung Hoa, Hà Lan và Thụy Điển), giáo viên được quyền tự chủ đáng kể để quyết định làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu của học sinh của họ.
Những kiến thức, kinh nghiệm và phẩm chất nào dẫn đến sự thành công của người giáo viên?
Tại hội nghị, giáo viên thành công được định nghĩa là người chuẩn bị cho học sinh những kiến thức về thế giới trong đó đơn giản là việc có thể nhớ lại nội dung kiến thức không quan trọng bằng việc có thể sử dụng kiến thức đó trong các bối cảnh cuộc sống và các điều kiện kinh tế xã hội thay đổi với tốc độ nhanh chóng.
Học sinh cần phải "sáng tạo, suy nghĩ nghiêm túc, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định", có thể "giao tiếp và cộng tác", "công nhận và khai thác tiềm năng của công nghệ mới" và có "phẩm chất cá nhân giúp mọi người sống và làm việc" cùng nhau”.
Để phát triển những năng lực này ở học sinh, giáo viên cần phải có nhiều năng lực, trong đó bao gồm: Có kiến thức về môn học cụ thể và kiến thức về các chiến lược sư phạm hiệu quả; Khởi xướng và quản lý quá trình học tập tích cực của học sinh; Đáp ứng nhu cầu học tập của từng cá nhân học sinh; Củng cố sự gắn kết và hội nhập xã hội giữa các học sinh có năng lực và hoàn cảnh khác nhau; Tập trung vào các nghiên cứu liên quan tới các hoạt động giáo dục và giảng dạy hàng ngày.
Bên cạnh đó, cần kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá năng lực của người học; Đánh giá và lập kế hoạch cải tiến việc dạy và học; Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giảng dạy, giáo dục và nâng cao năng lực nghề nghiệp; Tham gia vào các nhóm giáo viên và quản lý nhà trường học; Xây dựng quan hệ hợp tác với phụ huynh và cộng đồng xã hội.
Chính sách nào hỗ trợ giáo viên đạt được kiến thức và kỹ năng mà họ cần?
Trong hầu hết các hệ thống giáo dục có hiệu quả cao (Úc, Canada, Phần Lan, Hồng Kông, Trung Hoa, Hà Lan và Thụy Điển), giáo viên được quyền tự chủ đáng kể để quyết định làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu của học sinh của họ. Nhưng sự tự chủ của giáo viên cần phải được kết hợp bởi những nỗ lực khác để chuyên nghiệp hóa năng lực giảng dạy, để các quyết định của giáo viên được thông tin đầy đủ.
Điều tra Quốc tế về Giảng dạy và Học tập (TALIS) xác định tính chuyên nghiệp của giáo viên theo ba khía cạnh: sức mạnh của cơ sở tri thức của giáo viên, mức độ tự chủ của giáo viên trong việc ra quyết định độc lập trong lớp học, trong nhà trường, và sự tham gia của giáo viên vào các mạng lưới bồi dưỡng đồng cấp.
Các khía cạnh của tính chuyên nghiệp được đo bằng TALIS có thể giúp các nhà hoạch định giáo dục trên toàn thế giới đánh giá điều kiện chuyên môn của đội ngũ giáo viên của các quốc gia.
Phân tích sơ bộ cho thấy một số khía cạnh quan trọng nhất của tính chuyên nghiệp của giáo viên bao gồm: được đào tạo về chuyên môn và sư phạm, bao gồm cả các phương pháp đánh giá; có thời gian thực hành trong lớp học trước khi độc lập chịu trách nhiệm về một lớp học cụ thể; tham gia vào các hoạt động phát triển chuyên môn trong thời gian giảng dạy, hợp tác và gắn bó trong môi trường trường học (chứ không phải là các cơ hội bên ngoài và ngắn hạn như hội nghị và hội thảo).
Đồng thời đánh giá tác động các phương pháp giảng dạy mới đối với học sinh để tạo ra những chu kỳ tinh lọc liên tục. Tương tự, thẩm định của giáo viên có hiệu quả nhất khi việc này được liên kết với một hệ thống phát triển nghề nghiệp mạch lạc giúp giáo viên có những cơ hội cụ thể để cải thiện điểm yếu của mình.
Chính sách nào để chuyên nghiệp hóa giáo viên đạt hiệu quả?
Một số phương pháp chủ chốt có thể giúp đảm bảo rằng các nỗ lực để thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa của giáo viên thành công, đó là: truyền thông lý do để cải cách, thừa nhận các quan điểm và lợi ích khác nhau, thúc đẩy sự đồng thuận, thu hút sự quan tâm của các bên liên quan, bao gồm cả giáo viên và các hiệp hội giáo dục trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách, đảm bảo có đầy đủ năng lực và nguồn lực, và xác định rõ ràng thời gian thực hiện cải cách.
"Các giáo viên cần được đảm bảo," báo cáo kết luận, "rằng họ sẽ có những công cụ để thay đổi, và công nhận động lực nghề nghiệp của họ nhằm cải thiện kết quả học tập của học sinh ".
Theo OECD, có sáu hành động quan trọng cần thiết để thực hiện cải cách giáo dục:
Thứ nhất, phấn đấu để đạt được sự đồng thuận về các mục tiêu cải cách mà không ảnh hưởng đến động lực cải tiến. Điều đó có nghĩa là thừa nhận những quan điểm khác nhau. Các cuộc tham vấn thường xuyên giúp tạo sự tin cậy giữa tất cả các bên, từ đó giúp xây dựng sự đồng thuận.
Thứ hai, thu hút giáo viên không chỉ trong việc thực hiện cải cách mà còn thiết kế hoạt động cải cách. Chính sách có thể khuyến khích giáo viên duy trì các cộng đồng chuyên môn, hỗ trợ một phần tài chính cho giáo viên trong việc tham gia bồi dưỡng chuyên môn.
Thứ ba, thử nghiệm các chính sách ở quy mô nhỏ hơn trước nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện, và vì được thử nghiệm ở phạm vi nhỏ nên có thể khắc phục được tư tưởng sợ hãi và chống lại sự thay đổi.
Thứ tư, cải cách cần được gắn liền với tài chính bền vững sẽ luôn là vấn đề trọng tâm. Đây không chỉ là về tiền; đó là đầu tiên và trên hết là xây dựng năng lực chuyên môn và các hình thức hỗ trợ.
Thứ năm, thời gian và trình tự thực hiện cải cách rất quan trọng. Thời gian cũng cần thiết để tìm hiểu và hiểu rõ tác động của các biện pháp cải cách, xây dựng lòng tin và phát triển năng lực cần thiết để chuyển sang giai đoạn phát triển chính sách tiếp theo.
Thứ sáu, nhưng không kém phần quan trọng, thành công là khi thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục. Đưa chuyên môn nghề nghiệp vào trung tâm cải cách giáo dục đòi hỏi một cuộc đối thoại hiệu quả giữa các chính phủ và các hiệp hội.