Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động
Công nhân, người lao động là lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và cũng là một trong 16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. |
Nếu chưa tính số lao động tại các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh, thì thống kê số lao động tại các khu công nghiệp đã là gần 90.000 người. Bởi vậy, để sẵn sàng cho một chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, công tác khám sàng lọc cho người lao động đang được triển khai đồng loạt với sự tham gia của nhiều lực lượng.
Gần 100 cán bộ từ 6 cơ sở y tế và hơn 150 cán bộ của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cán bộ an toàn tại các doanh nghiệp đã được huy động để phục vụ đợt khám sàng lọc trước tiêm cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác khám sàng lọc để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất của các công ty, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình khám sàng lọc.
Ông MinBo Sim, Giám đốc An toàn sức khỏe, Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, cũng như chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong ưu tiên tiêm phòng cho người lao động tại các khu công nghiệp, trong đó, có Samsung Điện cơ. Với hơn 7.000 lao động, thì việc khám sàng lọc như thế này là rất khoa học và hiệu quả, đây sẽ là lần tập dượt để chúng tôi chuẩn bị chu đáo hơn cho công tác tiêm chủng sau này".
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Mỗi đơn vị mà tổ chức 1 địa điểm để khám sàng lọc cũng như địa điểm để tổ chức tiêm chủng tại nhà máy, chúng tôi phải kiểm tra đảm bảo vấn đề phòng, chống dịch bệnh như: vị trí ngồi chờ đảm bảo giãn cách, địa điểm phải thoáng; các nhà máy phải bố trí công nhân đến để khám, tiêm theo các khung giờ nhất định theo các ca sản xuất, tránh tập trung đông người tại 1 thời điểm".
Thống kê tính đến ngày 12/7, đã có gần 70% công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp được khám sàng lọc. |
Thống kê tính đến ngày 12/7, đã có gần 70% công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp được khám sàng lọc, dự kiến công tác khám sàng lọc sẽ hoàn thành trước ngày 15/7 để sẵn sàng cho đợt tiêm chủng đầu tiên của chiến dịch trong tháng 7 và tháng 8 năm nay. Việc ưu tiên tiêm phòng COVID-19 cho các lực lượng tuyến đầu phát triển kinh tế nhận được sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn.
Ông Lee Heung Rel, Giám đốc Hành chính, An toàn môi trường Aluko Group chia sẻ: "Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 lần này rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Chúng tôi đã tuyên truyền để người lao động trong doanh nghiệp đăng ký tiêm phòng với số lượng lớn nhất".
Anh Phạm Văn Tuyền, người lao độngCông ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho hay: "Chúng tôi cảm thấy rất vui mừng khi được Chính phủ ưu tiên tiêm phòng vắc xin với số lượng lớn, đảm bảo sức khỏe cho tất cả công nhân và yên tâm công tác".
Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động các nguồn lực để đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch và ủng hộ quỹ vắc xin phòng COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: "Hiệp hội Doanh nghiệp đã có thông báo kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ để đóng góp vào quỹ vắc xin. Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đăng ký đóng góp 2 tỷ đồng, các doanh nghiệp khác cũng sẵn sàng đóng góp".
Ông Miao Cheng Xiang, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar cho hay: "Với 2.000 công nhân, người lao động, biện pháp tốt nhất để chúng tôi có thể yên tâm và duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là tạo miễn dịch cộng đồng, tức là tiêm phòng cho người lao động. Bởi vậy, từ năm ngoái chúng tôi đã xây dựng quỹ phòng, chống COVID-19, với mục đích lớn nhất là chủ động nguồn lực để mua vắc xin cho người lao động".
Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Biện pháp 5K và vắc xin triển khai đồng loạt trong các khu công nghiệp, tôi cho rằng là chủ trương đúng và các doanh nghiệp hưởng ứng rất cao".
“Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” – phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra những yêu cầu và giải pháp cụ thể để hoàn thành “mục tiêu kép”. Bởi vậy, tiêm phòng vắc xin cho người lao động và các lực lượng tuyến đầu phát triển kinh tế là giải pháp tiên quyết để chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19./.