Chỉ số PAPI đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền
Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên |
Tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước là quyền hiến định của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người từ 18 tuổi trở lên. Việc tham gia đó có ý nghĩa quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” càng được chú ý nhiều hơn trong bối cảnh Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có hiệu lực.
PAPI năm 2023 vừa công bố cho thấy, chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” của tỉnh Thái Nguyên đạt 5,9 điểm, đứng đầu trong nhóm 15 tỉnh, thành có chỉ số cao nhất. Kết quả này là minh chứng cho thấy chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Thái Nguyên đặc biệt chú trọng thực hiện đã có sức lan tỏa.
Ông Lương Khánh Trình, Bí thư Chi bộ xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, Phú Lương Thái Nguyên cho biết: Tổ chức tuyên truyền vận động sâu rộng đường lối chính sách của Đảng, đặc biệt là những chính sách của địa phương, những chương trình đầu tư xây dựng của cấp trên, chúng tôi đưa ra hội nghị của nhân dân để nhân dân biết và bàn, phương pháp cách thức thực hiện là chúng tôi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên một, phụ trách từng mảng công việc một. |
Ông Lương Văn Nhã, Xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: Rất mong các cấp chính quyền phát huy công tác như thế này, chúng tôi càng ngày càng hiểu hơn đường lối chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời cũng vận động, khích lệ chúng tôi đoàn kết nhau hơn để xây dựng làng xóm để dân giàu, mà dân giàu thì nước mới mạnh. |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư huyện ủy Đồng Hỷ |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: Trong quá trình triển khai các mục tiêu nhiệm vụ thì sự tham gia của người dân ở cơ sở là một trong những nội dung hết sức quan trọng, khi mà được người dân đồng thuận, vào cuộc tích cực, thì các nhiệm vụ cũng như là các kế hoạch cũng như là các chương trình dự án sẽ được sẽ triển khai một cách đồng thuận thế và tạo hiệu quả tích cực.
Để tìm hiểu tác động của các chính sách đến cuộc sống và sinh kế của người dân, PAPI xem xét những nỗ lực của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin và thực hiện các quyền của mình. Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công, bởi khi người dân có thông tin đúng đủ, họ mới có thể thực hiện “kiểm tra, giám sát” và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình. Đánh giá từ đơn vị khảo sát, có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021. Với Thái Nguyên, chỉ số này đạt 5,84 điểm tăng 0,35 điểm so với năm 2022, thuộc nhóm Cao nhất.
Ông Đoàn Quang Huy - Viện Truyền thông và Kinh tế số |
Ông Đoàn Quang Huy - Viện Truyền thông và Kinh tế số đánh giá: Vấn đề về công khai minh bạch là vấn đề cực kỳ quan trọng, để chúng ta có thể đánh giá được một cách chính xác cái năng lực điều hành cũng như là lan tỏa giá trị và cái sự cần thiết cũng như cái sự thực thi chính sách tới người dân. Trong các chỉ số về công khai minh bạch, trong đó có 4 cái chỉ số thành phần đó là: các chỉ số về minh bạch trong việc tiếp cận thông tin; các chính sách của hộ nghèo; thu chi của các xã địa phương; và đặc biệt là chỉ số minh bạch liên quan tới các chính sách đất đai, thủ tục đất đai. Năm 2023 vừa rồi, Thái Nguyên đã khích lệ và đạt ở 3 trong 4 các chỉ số này, có sự tăng trưởng 10% so với năm 2022.
Bức tranh thể hiện đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên năm 2023 cũng cho thấy những cải thiện rất đáng kể. Khi các chỉ số về Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị điện tử đều tăng điểm so với năm 2022. Điều này cho thấy thay đổi tích cực về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành tích hợp 53/53 Dịch vụ công thiết yếu trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt trên 99,%. Chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phát triển, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc… Các ứng dụng được triển khai trên nền tảng xã hội số từng bước thu hẹp khoảng cách số, đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh tới người dân thông qua các thiết bị di động./.