“Cháy hàng” ô tô mùa Tết
Khan hiếm nguồn cung
Bước sang 2018, thời điểm được dự đoán bùng nổ của thị trường ôtô Việt khi thuế nhập khẩu về 0% và đòn bẩy từ nhu cầu mua xe chơi Tết của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, khi nhu cầu mua xe chơi Tết của khách hàng lên cao thì nguồn cung cả xe nhập và xe lắp ráp trong nước đều lâm vào cảnh khan hàng vì chính sách thuế và quy định nhập khẩu của Chính phủ. Rất nhiều người tiêu dùng tìm đến đại lý để mua xe và đều nhận được một câu trả lời giống nhau: “Hết xe để bán”.
Anh Nguyễn Anh Dương (ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh đã đặt cọc 20.000.000 đồng từ tháng 12/2017 để mua xe Mazda CX5 bản 2.5, nhưng đến giữa tháng 1/2018, đại lý thông báo trả lại tiền vì lí do hết hàng.
Mazda CX5 đã "cháy hàng" từ đầu tháng 1/2018 (Ảnh minh họa: KT) |
"Năm ngoái, xe giảm cả trăm triệu nhưng tôi chờ sang năm nay thuế giảm chắc xe sẽ rẻ hơn. Không ngờ, đến cuối năm lại có vẻ khan hàng. Đợt vừa rồi tôi phải đặt cọc để chờ mua xe, chờ mãi, lại bị “đánh tháo” hợp đồng, trả lại tiền cọc. Giờ cận Tết, mấy dòng xe hot đều hết hàng, lỡ hết cả kế hoạch”, anh Dương cho biết.
Chị Phạm Minh Phương, một nhân viên bán hàng của Trường Hải cho biết, hai mẫu xe “hot” là Mazda CX-5 và Kia Cerato đều đã hết hàng.
"Hãng đã gửi thông báo cho đại lý ngừng giao dịch hai dòng xe này vì hết hàng để giao trước Tết. Thị trường ôtô năm nay biến động bất ngờ, khiến nguồn cung dịp cận Tết khan hiếm. Bao nhiêu khách hỏi mua mà không có xe để bán", chị Phương chia sẻ.
Theo khảo sát, tình trạng khan hàng diễn ra trầm trọng nhất đối với những mẫu xe đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhiều hãng khác cũng không thể chủ động nguồn cung tốt khi nhu cầu mua xe tăng cao. Tại các đại lý Honda ở Hà Nội, không chỉ mẫu xe Honda CR-V nhập khẩu bị thiếu hàng mà mẫu xe lắp ráp trong nước Honda City cũng không sẵn để người tiêu dùng đặt mua. Nhân viên đại lý Honda cho biết, riêng mẫu xe Honda City thì khách hàng buộc phải chờ đến sau Tết Nguyên đán và thời gian giao xe cũng không xác định được, do chưa biết khi nào nhà máy mới có xe xuất xưởng.
Nghịch cảnh của thị trường ôtô hiện nay được nhận định là do Nghị định 116 (quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, ban hành ngày 17/10/2017, có hiệu lực từ 1/1/2018) với các quy định mới liên quan đến mặt hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc và Nghị định 125 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan) trong đó có điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô.
Đại diện một đại lý Toyota tại Hà Nội cho biết, xe nhập “tắc đường về” do vướng Nghị định 116 yêu cầu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới trong khi các hãng liên doanh cho rằng nước ngoài không cấp loại giấy này. Toyota và Honda hiện đã thông báo tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam. Hai dòng xe nhập khẩu của Toyota là Fotuner và Prado đã “cháy hàng” từ tháng 12/2017.
Đối với xe lắp ráp, nhiều hãng chờ sản xuất theo lô linh kiện hưởng thuế 0% từ 2018 nên không kịp đáp ứng, bên cạnh đó, một số hãng không lường trước được nhu cầu đổ dồn của khách hàng khi vừa bước sang 2018. Mẫu SUV 7 chỗ Hyundai Santa Fe có lượng đặt hàng tăng cao từ đầu 2018 nhưng linh kiện không về kịp, sản xuất xe tạm thời gián đoạn. Các dòng xe Toyota Altis 1.8, Toyota Vios G hiện cũng hết xe để giao trước Tết.
Đại lý tung chiêu ép giá
Tâm lý mong muốn sắm ôtô chơi Tết khiến người tiêu dùng lâm vào thế bị động. Điều này cộng hưởng với nguồn hàng khan hiếm đối với những mẫu xe hút khách là cơ sở để các đại lý, showroom có nhiều chiêu bài “ép giá” để tối đa hóa lợi nhuận.
Đến thời điểm này, chỉ có 1 số hãng xe "may mắn" nhập được vài lô xe với số lượng rất nhỏ. Lô hàng 750 xe Honda CR-V mới về Việt Nam trước 2018 là tin vui với người tiêu dùng trước thời điểm quy định siết chặt nhập khẩu ôtô có hiệu lực. Tuy nhiên, mức giá không những không giảm như kỳ vọng mà ngược lại bị tăng lên do thuế nhập khẩu vẫn chịu mức 30% của 2017.
Để có thể nhận xe trước Tết, khách hàng phải mua kèm 20-30 triệu đồng tiền phụ kiện. Tuy nhiên, hầu hết xe Toyota Altis 1.8 đã được khách hàng đặt mua hết. |
Bên cạnh Honda CR-V, những mẫu xe hút khách khác như Toyota Fortuner, Toyota Altis, Toyota Vios G, Ford Ranger… cũng có tình trạng nâng giá bằng cách đại lý ép khách mua thêm phụ kiện vài chục triệu đồng nếu muốn giao xe trước Tết. Kiểu bán xe "bia kèm lạc" tạo nên tâm lý ức chế đối với đa số khách hàng.
“Họ nắm được tâm lý mình cần mua xe để đi Tết nên bắt phải mua kèm phụ kiện. Tuần trước tôi mua xe Toyota Altis 1.8, phải lắp thêm 30 triệu phụ kiện mới được giao xe trước Tết”, anh Đinh Trọng Ninh, một khách hàng mua xe chia sẻ.
Ước tính của các doanh nghiệp ô tô cho thấy, có khoảng 20% số khách hàng có nhu cầu đã không mua xe trong năm 2017, đợi sang đầu 2018 mua xe giá rẻ. Tuy nhiên, xe nhập giá rẻ không về, xe trong nước lắp ráp không tăng, lại trùng với dịp cuối năm âm lịch, nhiều người muốn sắm xe chơi Tết, nhu cầu tăng cao nên dẫn đến tình trạng khan hiếm, giá xe bị đẩy lên, không có xe để mua.
"Nếu không quá cần thiết, người tiêu dùng nên chờ qua Tết Nguyên đán, thị trường ổn định lại, tới lúc đó, nguồn cung cũng dồi dào, giá xe sẽ ổn định. Tới lúc đó, có nhiều lựa chọn về dòng xe và không lo bị “ép giá” ", chủ một đại lý ô tô tại Hà Nội khuyến cáo./.