Chăn nuôi an toàn sinh học - hướng đến phát triển bền vững
Để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững thì cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. |
Giá thức ăn tăng cao, trong khi giá gà xuất bán liên tục giảm đã khiến không ít hộ chăn nuôi gà công nghiệp giảm đàn, mặc dù thời điểm này là lúc nhập đàn để phục vụ thị trường Tết.
Anh Nguyễn Minh Khang, xóm Cà Phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Người chăn nuôi chủ yếu dựa vào giá thị trường và đầu ra; song đầu ra rất khó, giá nguyên liệu đầu vào rất cao. Đầu ra khó đồng nghĩa với việc con gà phải nuôi dài ngày mà bệnh thì nhiều".
Không muốn để bị động, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến đã thử nghiệm nuôi giống ruồi lính đen để phối trộn thức ăn theo hướng tự nhiên, an toàn sinh học làm thức ăn nuôi gà. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho hay: "Chúng tôi kiểm soát được chất lượng thức ăn, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận".
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến đã thử nghiệm nuôi giống ruồi lính đen để phối trộn thức ăn theo hướng tự nhiên, an toàn sinh học làm thức ăn nuôi gà. |
Những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp phát triển nhanh chóng, mặc dù, hiệu quả kinh tinh tế cao, nhưng môi trường dễ bị ô nhiễm, do chưa có cách xử lý các chất thải trong chăn nuôi triệt để. Đặc biệt, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn bất cập, tình trạng gà nhiễm chất cấm, tồn đọng kháng sinh vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực trạng đó, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã xác định cần phải đổi mới phương thức chăn nuôi, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững. Các khâu chăn nuôi an toàn sẽ được triển khai khép kín từ con giống đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.
Ông Lê Duy Thạch, xóm La Ri, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho biết: "Cơ sở của chúng tôi đã chọn lọc, sàng lọc từ con giống bố mẹ, tiêm đầy đủ các loại vắc xin".
Việc phát triển Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên” đã được đặt hàng với Bộ Khoa học và Công nghệ. Với mong muốn giúp các trang trại sản xuất các con giống chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các địa phương miền núi, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường.
Tiến sỹ Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Chăn nuôi an toàn sinh học giúp khống chế được các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đàn gia cầm, nếu chúng ta không ngăn chặn được dịch bệnh thiệt hại sẽ rất lớn".
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Gắn với việc thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào chăn nuôi cũng như cơ sở giết mổ và chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh; liên kết chuỗi sản phẩm và xây dựng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh và xử lý môi trường".
Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã đem đến cho người chăn nuôi nhiều lợi ích rõ rệt, cũng gắn với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, tiệm cận với phương pháp, quy trình chăn nuôi tiên tiến của thế giới. Do vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực học tập, phát triển sản xuất theo phương thức này./.