Chậm tiến độ tiêm phòng trên đàn vật nuôi
TP Sông Công đang phải dồn lực, tập trung cho việc khoanh vùng, tiêm phòng dập dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. |
Thời điểm này, trên địa bàn phường Lương Sơn, TP Sông Công vẫn chưa thể triển khai tiêm phòng dại cho đàn chó, vì TP đang phải dồn lực, tập trung cho việc khoanh vùng, tiêm phòng dập dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Dự kiến, phải hết ngày 4/4 tới, địa bàn Sông Công mới hoàn thành cơ bản việc tiêm phòng đợt 1 trên đàn vật nuôi.
Anh Lê Tuấn Anh, ở Tổ dân phố Nha Làng, phường Lương Sơn, TP Sông Công cho hay: “Tổ dân phố báo tiêm phòng cho bò và chó, nên chúng tôi tổ chức tham gia đưa trâu bò đi tiêm”.
Ông Nguyễn Văn Thùy, ở Tổ dân phố Nha Làng, phường Lương Sơn, TP Sông Công cho biết: “Đàn trâu bò trên địa bàn đang bị bệnh viêm da nổi cục. Chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo phường để tuyên truyền cho nhân dân để nhận biết”.
Bắt đầu từ năm 2021, tỉnh Thái Nguyên sẽ không còn hỗ trợ kinh phí cho việc tiêm phòng vắcxin trên vật nuôi. |
Bắt đầu từ năm 2021, tỉnh Thái Nguyên sẽ không còn hỗ trợ kinh phí cho việc tiêm phòng vắcxin trên vật nuôi. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh và để đảm bảo tiến độ tiêm phòng, TP Sông Công đã hỗ trợ kinh phí cho ngần 200.000 liều vắcxin cho vật nuôi, riêng bệnh dại chỉ hỗi trợ 50%/ mỗi liều vắcxin tiêm phòng.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Sông Công thông tin: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chi cục Chăn nuôi Thú y cũng chưa được phê duyệt đề án, chính vì vậy nguồn kinh phí để mua vắcxin cấp cho các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có”.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này, tức là sau 1 tháng của lịch tiêm phòng dại và dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mới chỉ khởi động việc tiêm phòng, trong điều kiện khó khăn về bộ máy thú y và công tác tổ chức.
Ông Lương Xuân An, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương cho hay: “Năm nay, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ không hỗ trợ tiền vắcxin, chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin và cũng chưa thể khẳng định được ý kiến của bà con ra sao, họ có đồng thuận hay không? Việc tiêm phòng trước hết để đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho người dân, cho bà con”.
Những chậm trễ trong công tác tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi, cũng đến từ công tác đấu thầu, bảo quản vắcxin cho đến việc tổ chức tiêm phòng tại cơ sở.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế TP Thái Nguyên cho biết thêm: “Với đàn gia súc, gia cầm năm nay sẽ có chậm trễ, chúng tôi tăng cường chỉ đạo, khuyến khích người nông dân phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm tốt hơn nữa, đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ kê khai chăn nuôi. Trong quá trình kê khai chăn nuôi, đồng thời khuyến cáo người nông dân”.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 280.000 con chó, khoảng 617.000 con lợn, 90.000 trâu bò, 14 triệu gia cầm, tổng giá trị lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Mặt khác, bệnh dại cũng luôn là nguy cơ tiềm ẩn, không dễ để kiểm soát triệt để. Vì vậy, công tác tiêm phòng, thú y vẫn luôn là vấn đề cần được quan tâm đúng mức chứ không thể chủ quan khi hiện nay dịch dại, cúm gia cầm, tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… vẫn chỉ là vừa mới tạm lắng chứ chưa phải là đã đi qua.