Chấm dứt hợp đồng với Next Media, VPF muốn phát triển chất lượng hình ảnh V-League
Công tác truyền thông nói chung và truyền hình nói riêng nói cho cùng nhằm làm tăng mức độ lan toả và quảng bá hình ảnh cho các sự kiện.
Tuy nhiên, với V-League các mùa giải liên tiếp gần đây, dù 100% số trận đấu của giải đấu này được truyền hình trực tiếp, qua các kênh khác nhau, thì ngoại trừ các trận được truyền trực tiếp bởi đài truyền hình trung ương, hay một số nhà đài địa phương có diện phủ sóng rộng, các trận còn lại, đặc biệt là các trận đấu được truyền trên kênh VPF thông qua đối tác Next Media lại không có sức hút cao.
Đấy là chưa nói đến vấn đề chất lượng hình ảnh, chất lượng đường chuyền và chất lượng âm thanh có khi cũng không đáp ứng được yêu cầu của người xem.
Việc truyền hình trực tiếp 100% số trận tại V-League như các mùa trước có ích gì đối với VPF, nếu việc đấy không mang lại lợi nhuận, cũng không giúp gì cho việc lan toả hình ảnh và sức hút của giải đấu? (ảnh: Gia Hưng) |
Và sức lan toả của giải V-League ở các mùa giải trước không cao, đấy là minh chứng rõ ràng nhất cho khâu truyền thông không hiệu quả của VPF các năm về trước.
Đấy chính là lý do mà tân chủ tịch VPF nhiệm kỳ mới, ông Trần Anh Tú thẳng thắn cho biết VPF trong mùa giải 2018 sẽ không nhất thiết phải truyền trực tiếp 100% số trận đấu của giải, như cách làm cũ, mà chỉ chú trọng vào những trận quan trọng, có sức hút lớn. Hiện tại, VPF muốn chú trọng vào việc phát triển chất lượng, hơn việc chạy theo số lượng.
Đây cũng là điều không hiếm gặp ở các giải bóng đá trên khắp thế giới. Trừ một số giải đấu có giá trị thương quyền quá lớn như World Cup, Euro, UEFA Champions League, hay các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, ở các giải đấu còn lại, không thể có chuyện các nhà tổ chức thực hiện truyền hình trực tiếp 100% số trận.
Ví dụ như ngay cả cúp FA lâu đời của bóng đá Anh, ở các vòng ngoài, có vài chục trận/vòng, nhà tổ chức giải không thể truyền trực tiếp tất cả số trận đấy, mà chỉ tập trung vào việc khai thác các trận có sự xuất hiện của những tên tuổi lớn, có sức hút lớn đối với khán giả truyền hình.
Điều này, thứ nhất là nhằm hướng sự chú ý của người xem truyền hình (kể cả người xem thông qua các thiết bị công nghệ cao) vào một số tên tuổi cụ thể, dễ khai thác quảng cáo, thứ nhì là giảm bớt gánh nặng tài chính một cách không cần thiết, cho việc phải dàn trải sản xuất sóng truyền hình theo kiểu mặt trận, mà không mang lại hiệu quả.
Mà nói về mặt hiệu quả kinh tế trong việc khai thác bản quyền truyền hình giải V-League các năm vừa qua, VPF đã chỉ ra rằng đối tác Next Media chưa minh bạch trong việc cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề doanh thu và lợi nhuận xung quanh các bản hợp đồng đã ký về vấn đề truyền hình giữa Next Media với VPF.
Trong bối cảnh mà chưa biết mình có lãi hay không có lãi khi sản xuất dàn trải sóng truyền hình các trận đấu tại V-League, nhà tổ chức giải, mà cụ thể là VPF tất nhiên phải thực hiện bước đầu tiên là giảm… lỗ, giảm ngân quỹ cho việc hoạt động truyền hình chưa mang lại lợi nhuận này.
Thay vào đó, VPF sẽ tập trung vào việc ký những hợp đồng hoặc đi đến những thoả thuận có lợi hơn về mặt kinh tế, đó là tập trung vào bán bản quyền truyền hình xung quanh một nhóm các trận đấu được dự đoán có tỷ lệ người xem cao, có sức hút lớn, cho các nhà đài có uy tín, theo phương thức “hàng-đổi-hàng” (nhà đài sẽ truyền trực tiếp các trận đấu này, đổi lại VPF sẽ kêu gọi các nhà tài trợ quảng cáo trong thời lượng mà VPF sẽ đàm phán với nhà đài, trước và giữa các trận đấu nói trên, rồi thu tiền quảng cáo từ các nhà tài trợ).
VPF nói cho cùng vẫn hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp cổ phần, với sự góp vốn của các cổ đông là các CLB chuyên nghiệp. Mà với một doanh nghiệp, nếu các khoản đầu tư đã không mang lại hiệu quả về kinh tế, không làm lợi cho các cổ đông, như việc sản xuất đều đặn 100% số trận được truyền hình trực tiếp ở từng mùa giải trước, thì doanh nghiệp đấy đương nhiên phải thay đổi cách thức vận hành ngay ở khâu mà họ chưa thu được lợi nhuận!