Cảnh báo những trại nuôi hổ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 282 trại nuôi/cơ sở nuôi sinh trưởng, sinh sản 18.853 cá thế động vật hoang dã của 16 loài như: Gấu, hổ, rắn hổ mang, rắn ráo trâu, rùa câm, cá sấu nước ngọt, chim công, nhím, lợn rừng, chim trĩ, ba ba...
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đặc biệt lưu ý đối với cơ sở nuôi hổ trên địa bàn huyện Thọ Xuân |
Qua đánh giá, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo, sử dụng trái phép động vật hoang dã vẫn còn xảy ra và chưa được ngăn chặn triệt để; vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã diễn ra ngày càng tinh vi.
Nguy cơ động vật hoang dã hung dữ như hổ, cá sâu, rắn hổ mang… hiện đang nuôi sinh trưởng, sinh sản tại các trại nuôi, cơ sở nuôi đe dọa tính mạng, an toàn của người dân còn tiềm ẩn.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ 282 cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, lưu ý đối với cơ sở nuôi hổ trên địa bàn huyện Thọ Xuân; nuôi gấu trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn, huyện Hậu lộc, Tĩnh Gia; nuôi cá sấu trên địa bàn huyện Yên Định, Thiệu Hóa; nuôi rắn hổ mang trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố.
Cơ sở nuôi nhốt hổ là của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt hổ. Cơ sở nuôi nhốt hổ này nằm gần khu dân cư và đã tồn tại khoảng 10 năm nay.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và tịch thu các cá thể động vật hoang dã hung dữ của những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn về chuồng trại theo quy định.
Đồng thời, lập quy hoạch về gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, từng bước di dời các trại nuôi động vật hoang dã hung dữ ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ mất an toàn cao...