Cần xử lý nghiêm người ra quyết định đầu tư công sai, gây lãng phí
Theo ông Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực trạng đầu tư công đã có thay đổi, cụ thể trên các mặt: quy mô và đóng góp của đầu tư công vào tổng vốn đầu tư của toàn xã hội; cơ cấu nguồn vốn đầu tư công; cơ cấu đầu tư công theo ngành kinh tế; cơ cấu đầu tư công phân bổ theo cấp quản lý; hiệu quả sử dụng vốn.
Thực trạng đầu tư công có thay đổi ở nhiều mặt. |
"Chúng ta cần giải pháp căn bản hơn trong việc tăng cường hiệu quả đầu tư công, qua đó, gián tiếp góp phần giảm tỷ lệ nợ công, bởi vì trong cấu phần nợ công chủ yếu là do tăng phần bội chi ngân sách. Như vậy, nếu tăng hiệu quả của đầu tư công thì sẽ giảm được phần bội chi ngân sách và qua đó, giảm được nợ công", ông Đặng Đức Anh phân tích.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu đầu tư công và Chính phủ cũng đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Đây là một trong những thách thức lớn đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành địa phương phải quyết liệt vào cuộc.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 63 phê duyệt đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ cho biết, có 3 vấn đề gây cản trở đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, thứ nhất là vướng mắc các quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định số 77, 36 và 61 của Chính phủ về triển khai Luật.
Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công chậm do gặp khó ở ngay khâu tổ chức thực hiện chậm trễ giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương khác. Thứ ba, việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới tư duy quản lý chưa được một số Bộ quan tâm thực hiện.
Chính vì vậy, thời gian tới các Bộ, ngành địa phương phải tập trung chỉ đạo, phân nhiệm vụ cho chức danh cụ thể phụ trách tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
"Phải rà soát lại cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và bao trùm lên đó là hệ số ICOR về việc sử dụng vốn đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Muốn sử dụng ngân sách hiệu quả, phải rà soát lại cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. |
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong phân bổ ngân sách, ngoài tiêu chí về mặt xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, phải chú ý đến tiêu chí hiệu quả về kinh tế để đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu.
"Chúng ta cũng cần có tính kỷ luật, rà soát những ai ra quyết định đầu tư sai, gây hậu quả nghiêm trọng, lãng phí thì phải xử lý. Có như vậy mới sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả", chuyên gia Trần Hoàng Ngân nói.
Mới đây, Bộ KH&ĐT đề xuất việc bãi bỏ quy định về kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư sang năm sau. Chính phủ sẽ quyết định và có những điều kiện cụ thể đối với các dự án được gia hạn thực hiện và giải ngân.
Đồng thời, đề xuất sửa đổi Điều 46 Nghị định số 77 theo hướng tăng chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, giảm các thủ tục báo cáo, rà soát... Mục đích là “đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ, đây sẽ là tiền đề để lĩnh vực đầu tư công của nước ta sẽ thật sự phát huy hiệu quả và khởi sắc hơn trong thời gian tới./.