Cần tuyên truyền pháp luật để không xảy ra trường hợp như vụ đổi 100 USD
Mấy ngày qua, dư luận cả nước rất quan tâm đến vụ Công an thành phố Cần Thơ phát hiện xử lý trường hợp đổi 100 USD tại một tiệm vàng để lấy tiền đồng Việt Nam.
Sau khi phát hiện Công an thành phố Cần Thơ đã lập biên bản đồng thời tham mưu cho UBND thành phố ra Quyết định xử phạt hành chính cho cả người đổi tiền là ông Nguyễn Cà Rê và chủ tiệm vàng là ông Lê Hồng Lực. Theo ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân để không xảy ra những trường hợp tương tự.
Ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ |
PV: Thưa ông, vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng được dư luận cả nước quan tâm. Quan điểm của TP. Cần Thơ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông Trần Việt Trường: Quan điểm của thành phố là xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhất là những người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ít có điều kiện biết tới các quy định của pháp luật. Thành phố có trách nhiệm hỗ trợ những người dân đó để am hiểu pháp luật hơn, đừng có vi phạm như trường hợp quy đổi 100 USD. PV: Còn đối với ông Lê Hồng Lực chủ tiệm vàng Thảo Lực thì thành phố sẽ giải quyết như thế nào thưa ông? Ông Trần Việt Trường: Với tiệm vàng Thảo Lực, quan điểm của thành phố là rà soát lại hết quy định, thủ tục. Có sai ở đâu, sai chỗ nào thì mình sẽ xử lý chỗ đó. Còn nếu chỗ nào người ta không sai, không vi phạm thì cũng công nhận người ta không sai, không vi phạm. Bây giờ cho rà soát lại quy trình thủ tục hết. Trước ngày 2/11 báo cáo với Chủ tịch tỉnh, thì lúc đó Chủ tịch tỉnh sẽ có kết luận cụ thể. PV: Sau vụ việc đổi 100 USD này thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân sẽ được thành phố Cần Thơ triển khai thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Việt Trường: Sau vụ việc này, thành phố sẽ rút kinh nghiệm, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Sử dụng kênh báo chí của địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn, các sở ban, ngành và hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật của thành phố phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ban ngành để triển khai tới các địa phương và các địa phương phải có chương trình định kỳ và thường xuyên tuyên truyền cho người dân bằng các hình thức để cho người dân quan tâm hơn đến pháp luật và người dân tìm hiểu hơn, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, tránh những vi phạm đáng tiếc như trường hợp đổi 100 USD này. PV: Vâng xin cám ơn ông./.