Cần có Luật ngôn ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 5/11. Trong phiên thảo luận tại các tiểu ban, nhiều đại biểu đã chỉ ra những lệch chuẩn trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cũng đề xuất cần thiết phải có Luật ngôn ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". |
Tiếng Việt trên phương tiện thông tin đại chúng đang lệch chuẩn thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng. Đó là cách dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; cách đặt tiêu đề, rút "tít" thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí giật gân câu khách; thiếu sự đổi mới trong sự thể hiện văn phong báo chí; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng), tâm lý chuộng ngoại, sính ngữ còn khá phổ biến; ngôn ngữ và cách trình bày của phát thanh viên (trên truyền hình, phát thanh...) chưa có sự trau dồi, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết; thiếu tinh thần cầu thị, chưa chú ý tiếp thu phê bình, mở các diễn đàn tranh luận cởi mở, thẳng thắn...
Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) dẫn chứng sự hào phóng trong sử dụng ngôn ngữ dẫn đến làm sai lệch thông tin trên nhiều tờ báo (nhất là báo mạng): “Chưa bao giờ từ tuyệt vời được sử dụng với tần số cao như hiện nay. Trong tiếng Việt, có 3 từ chỉ mức độ cao hay được sử dụng là rất, quá, lắm nhưng giờ đây lại được cấp thêm những từ cực kì, cực, thậm chí còn có cả trên cả tuyệt vời, bá đạo, vãi. Nếu theo truyền thống thì vua, vương, hoàng hậu mỗi thời chỉ có một nhưng nay lại còn sử dụng như vua bóng đá, nữ hoàng nhạc nhẹ, ông hoàng nhạc Pop…”.
|
GS.TS Nguyễn Văn Khang. |
Cũng theo khảo sát của PGS.TS Đào Thanh Lan (Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKH Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), trong khoảng 130 bài báo các loại được tập hợp theo sự đa dạng về nội dung, thể loại thì có tới 61 bài có lỗi, chiếm gần 50%. Trong đó có 4 lỗi thuộc phạm vi văn bản (đặt tiêu đề chưa phù hợp nội dung, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết câu…) và 93 lỗi thuộc phạm vi câu, tổng cộng là 97 lỗi. Như vậy, mức độ bài báo có lỗi dùng tiếng Việt khá phổ biến và đáng báo động về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo chí.
Cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” tháng 2/1966 cũng đã từng nhấn mạnh: “Hiện tương ngôn ngữ nào có thể chuẩn hóa được thì nên tiến hành chuẩn hóa. Trong sự chuẩn hóa đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước hay mang tính Nhà nước. Điều này phù hợp với lý thuyết về chính sách ngôn ngữ: Chuẩn hóa ngôn ngữ là công việc của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc trà dư tửu hậu”.
Nhìn vào thực trạng sử dụng tiếng Việt đang khá lệch chuẩn hiện nay trên mặt bằng báo chí, nhiều đại biểu lại một lần nữa đề nghị cần phải xây dựng một chuẩn mực ngôn ngữ nhất định, cụ thể hóa bằng Luật ngôn ngữ để giảm thiểu sự lệch chuẩn cũng như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt là việc áp dụng chuẩn ngôn ngữ cho các phương tiện truyền thông đại chúng vì báo chí có tính phổ biến, tính định hướng thông tin, trong đó có cả định hướng về việc sử dụng ngôn ngữ.
Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN cũng đồng tình rằng cần phải có một bộ Luật về ngôn ngữ: “Trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 bộ Luật ngôn ngữ. Những quốc gia có đặc trưng lịch sử - xã hội không đơn giản như Mỹ, Ấn Độ cũng đã ban hành Luật ngôn ngữ. Trong khi Việt Nam có nghìn năm văn hiến thì lại chưa có. Ở nước ta ngày nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi quốc dân, cần phải thể hiện thành văn bản pháp quy”.
Nhà báo Phan Quang phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, ra Luật ngôn ngữ không thể một cách cứng nhắc, khô khan theo từ điển hoặc theo một quy chuẩn “chết cứng” mà phải có sự vận động và thích nghi với quá trình hội nhập và đặc biệt là phải mang tính khả thi như ý kiến của PGS.TS Đào Thanh Lan: “Chúng ta nên có chuẩn mực về ngôn ngữ để tạo thói quen chung về diễn đạt của cộng đồng. Chuẩn mực của hệ thống ngôn ngữ có thể biến đổi theo sự biến đổi tự nghiên của ngôn ngữ, chuẩn ngữ pháp thì cao hơn từ vựng”.
GS.TS Nguyễn Văn Khang cho rằng, chuẩn hóa có thể theo nhiều bước: từng bước chuẩn hóa những hiện tượng ngôn ngữ tiếng Việt đã có đủ điều kiện có thể chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc từng bước tiến tới xây dựng Luật ngôn ngữ. Thiết nghĩ cách làm này xem ra có tính khả thi và đáp ứng kịp thời với nhu cầu xã hội cũng như của các phương tiện truyền thông đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay.