“Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực“
“Có 2 vấn đề đáng bàn ở Hội nghị T.Ư7, đó là tình trạng lạm dụng quyền lực để thu vén cá nhân, làm giàu bất chính; và việc kiểm soát quyền lực như thế nào? Vì vậy, bàn về công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản phải có, cần tập trung vào hai tiêu chí rất quan trọng, đó là trong sạch và không lợi ích nhóm”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương với phóng viên Đài TNVN.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. (ảnh: Ánh Phương). |
PV:Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị T.Ư7 lần này là Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín. Đề án này có nhiều quy định mới như: Đánh giá cán bộ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ; Bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương; Hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền… Làm công tác tổ chức nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới trong đề án này?
Ông Nguyễn Đình Hương:Đề án cán bộ lần này đã đưa ra một hệ thống bài bản, toàn diện nhất trong mấy chục năm qua về công tác cán bộ. Dưới góc độ một người nghiên cứu, tôi thấy ở những bước ngoặt như vừa qua, các vấn đề về công tác cán bộ càng bộc lộ rõ nhiều chuyện, không chỉ là vấn đề chất lượng cán bộ mà còn là cơ cấu, không chỉ là số lượng mà còn là vấn đề con đường để đi tới những con số đó, rồi những ngả đường để trở thành cán bộ cấp chiến lược.
Tôi cho rằng có 2 vấn đề đáng bàn ở hội nghị lần này, đó là vấn đề tình trạng lạm dụng quyền lực để thu vén cá nhân, làm giàu bất chính và vấn đề thứ 2 là việc kiểm soát quyền lực như thế nào? Theo tôi, bàn về công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay, Hội nghị T.Ư7, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản phải có, cần tập trung vào hai tiêu chí rất quan trọng, đó là trong sạch và không lợi ích nhóm.
Vấn đề cốt tử, sống còn của một Đảng cầm quyền là đội ngũ cán bộ Đảng. Nhưng có một sự thật là một số đảng viên, cán bộ hư hỏng, lạm dụng quyền lực. Họ lạm dụng quyền lực để đưa con cái vào, để bán đất công, để thao túng ngân hàng trục lợi cá nhân… trong khi chúng ta chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực. Vì thế, chúng ta cần thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực.
PV: Thưa ông, ông đánh giá gì về nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay?
Ông Nguyễn Đình Hương: Chạy chức, chạy quyền giờ diễn ra công khai, trắng trợn. Chạy không còn là vấn nạn nữa mà đang thực sự trở thành phổ biến. Đã diễn ra tình trạng chạy cả bằng cấp, chạy cả giáo sư, tiến sĩ, chạy vào biên chế... Không chỉ chạy cho bản thân mình mà còn chạy cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cánh hẩu của mình nữa. Chạy chức, chạy quyền là vấn đề hết sức nan giải. Chạy để tranh giành quyền lực, dùng tiền để chạy. Chỉ có những kẻ bất tài mới chạy thôi...
PV: Trước đây chúng ta có quy trình bổ nhiệm cán bộ được xem là chặt chẽ nhưng kết quả còn nhiều bất cập. Vậy theo ông, quy trình và quá trình vận dụng có gì bất ổn, cần làm gì để quá trình vận dụng đúng, cho kết quả tốt?
Quy trình bổ nhiệm trước đây là phải lấy phiếu tín nhiệm nhưng chỉ dừng lại lấy phiếu tín nhiệm trong chính cơ quan đó, như vậy sẽ không dân chủ. Vì không ai dám nói không. Đó là chưa kể nhiều người dùng thủ đoạn, mua chuộc, dùng quyền lực, rỉ tai nhau, rồi gửi gắm này kia… Vậy là quy trình đúng khi thực hiện lại sai.
Ảnh minh họa (nguồn: internet). |
Để chỉnh cái sai này, cần đề ra quy trình hỏi ý kiến rộng rãi nhân dân. Người ta có thể mua được 10 người, 100 người nhưng nếu là 1.000 người, 1 triệu người thì khó có thể mua được. Không thể mua được tất cả khu dân phố, cũng không mua được mấy nghìn người trong một cơ quan, bộ máy.
Phải dân chủ, công khai và minh bạch trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Dân chủ là đi đôi với công khai, minh bạch, chứ úp úp, mở mở, rất khó được dân tin. Cứ công khai ra, chẳng có ai bao che cho ai, sòng phẳng, minh bạch, có làm như vậy mới thực sự dân chủ.
PV: Vấn đề “văn hóa từ chức” đã được đặt ra từ lâu, nhưng hầu như chưa có trường hợp nào từ chức. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đình Hương: Từ vụ Vinashin, Vinaline… chưa có ai từ chức hay chịu trách nhiệm. Duy nhất chỉ có ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là xin từ chức sau vụ Lã Thị Kim Oanh. Hành động từ chức của ông Ngọ được Quốc hội và nhân dân hoan nghênh.
Tôi nghĩ, trong Đảng, trong nhà nước ta, thực hiện văn hóa từ chức là rất hay, nhân dân rất đồng tình. Nhưng vì sao văn hóa từ chức chưa phổ biến, mới chỉ là kêu gọi thôi. Trong một nhiệm kỳ nhiều yếu kém mà không có ai từ chức là trái quy luật tự nhiên. Hiện nay có không ít cán bộ hư hỏng, đáng lẽ đã có người phải từ chức rồi.
PV: Theo ông, đề án đổi mới cán bộ lần này liệu có kiểm soát được tình trạng chạy chức, chạy quyền không?
Ông Nguyễn Đình Hương: Lần này Hội nghị T.Ư7 bàn cụ thể về tiêu chuẩn người đứng đầu thì sẽ kiểm soát được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Người đứng đầu phải trong sạch, gương mẫu mới kiểm soát được cán bộ dưới quyền lạm quyền. Vì vậy, điều kiện tiên quyết đối với một cán bộ lãnh đạo phải trong sạch, nhất là những đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; các đồng chí đứng đầu các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các ban tham mưu, giúp việc như Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí đứng đầu chính quyền các địa phương…
Tôi rất tâm đắc với ý kiến mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công việc của ban tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Mọi thứ đều do công tác tổ chức mà ra. Người làm công tác tổ chức, nhất là những người đứng đầu, phải gương mẫu, trong sạch.
PV: Xin cảm ơn ông!