Cần có biện pháp quản lý việc đánh bắt cá trên Hồ Núi Cốc
Phương thức đánh bắt bằng kích điện đang khiến nguồn lợi thủy sản của Hồ Núi Cốc cạn kiệt |
Không khó để bắt gặp trên mặt hồ Núi Cốc cảnh chỉ với 1 chiếc thuyền thô sơ, động cơ được chế tạo bằng máy bơm nước, những chiếc thuyền mang kích điện này trong 1 ngày có thể chạy khắp hồ Núi Cốc. Mỗi lần dí kích điện xuống nước, nguồn điện phát ra có thể gây sốc, gây chết cho các loại thủy sản, sinh vật dưới nước trong bán kính vài mét xung quanh đầu kích. Hoạt động này làm nguy hại, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên và cũng gây ra nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác và dần dần sẽ làm ô nhiễm môi trường nước.
Một người dân sống ven hồ cho biết: “Loại kích đó mới là diệt chủng. Nó đánh chết hết cả con tôm, con tép có trứng là chết hết, tập trung ở khu vực xóm Đình, xóm Chùa, xã Lục Ba, xã Tân Thái”.
Ngoài đánh cá bằng kích điện thì trên hồ Núi Cốc hiện nay cũng còn hàng trăm các lồng đèn đánh bắt cá, ngoài ra thì hoạt động của các tàu cát trên hồ cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Tất cả đã làm lượng thủy sản tự nhiên trên khu vực hồ Núi Cốc giảm sút đáng kể.
Anh Hoàng Văn Nghiệp, xã Lục Ba, huyện Đại Từ phản ánh: “Tàu cát làm đục nước, các nơi chảy về nước bẩn ảnh hưởng đến sinh vật sống dưới nước. Trước thì còn nhiều, giờ ít cá tôm rồi”.
Ông Đào Văn Hùng, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Kích điện ở đây ở xung quanh này đánh, đánh cả ngày cả đêm. Hại nhất là kích có đèn. Trên hồ này sử dụng nhiều, cỡ trăm cái. Họ bán đầy. Tuyệt chủng hết. Xưa cá chuối, cá quả nhiều, giờ còn ít lắm”.
Hồ Núi Cốc đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho tỉnh Thái Nguyên. Chính vì vậy, tất cả các tác động xấu gây nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường hồ Núi Cốc cần phải được kịp thời ngăn chặn. Đề nghị đơn vị có trách nhiệm sớm có biện pháp ngăn chặn xử lý việc đánh cá bằng kích điện trên khu vực lòng hồ Núi Cốc, không để tình trạng đánh bắt khai thác các loại thủy sản tràn lan trên khu vực hồ như hiện nay.