Cách phòng tránh thương tích, tai nạn cho trẻ trong dịp hè
Hằng năm, tại ĐBSCL mặc dù ngành chức năng đã có nhiều biện pháp cảnh báo để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ em nhưng tình trạng trẻ nhập viện cấp cứu do những bất cẩn trong sinh hoạt, vui chơi…vẫn chưa giảm một cách đáng kể.
Đặc biệt, trong thời điểm nghỉ hè, số trẻ bị tai nạn thương tích tại gia đình có xu hướng gia tăng như: ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước…
Bé gái 2 tuổi bị bỏng nặng nguyên cánh tay trái nằm điều trị ở phòng Bỏng, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ |
Đáng quan tâm, tai nạn thương tích không chỉ gây nguy cơ tử vong cho trẻ mà có thể để lại những hậu quả nặng nề về sau như thương tật vĩnh viễn không thể tiếp tục công việc học hành, vui chơi,…trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Phương, mẹ của bé Nguyễn Văn Cần, 5 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, đang nằm điều trị tại phòng bệnh chấn thương, khoa ngoại Tổng Hợp Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ kể lại: Trong lúc cửa rào vừa mới mở ra, bé đã lập tức phóng thẳng ra lộ đâm vào chiếc xe máy đang chạy ngoài đường khiến bé bị gãy xương chân trái. Người nhà nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện tuyến quận cấp cứu sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ .
“Khi mở cửa ra thì bé đâm đầu chạy thẳng, xe đang chạy tới. Mới vào đây, bác sĩ cho làm xét nghiệm, chích thuốc rồi siêu âm thấy bé cũng ổn, bác sĩ mới kêu bó bột và cho thuốc uống. Ta nói chân bị gãy hai khúc; xương bự và xương nhỏ; nó đau lắm, thấy khóc nhiều lắm. Mới đầu cũng chở nó kiếm chỗ này chỗ kia, chỗ nào mà cho bé mau bớt”, chị Tuyết Phương.
Do sơ ý của người lớn, trẻ chạy ra đường gặp tai nạn, khiến trẻ bị gãy xương chân trái, được theo dõi và điều trị bó bột |
Trường hợp con gái của chị Thái Thị Kim Dư, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cũng tương tự. Chị Kim Dư kể: Trong lúc cả nhà đang ăn uống, bất cẩn bé đang chơi đùa bị vấp ngã và tay bé đập vào trong nồi lẩu mà mọi người đã ăn gần xong.
Lúc đó, gia đình hốt hoảng lập tức chở bé đến cơ sở khám bệnh tư nhân gần nhà nhưng đến sáng hôm sau, vết bỏng bắt đầu phòng rộp lên. Vợ chồng chị bỏ hết công ăn việc làm để đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị.
“Nhà thì mới xây xong còn lu bu, rồi đãi ăn có cô chú, bác; ăn cũng gần xong còn hơn nửa chén nước lẩu thôi. Lúc đầu ăn thì có cả bà dì, bà nội ngồi xung quanh canh không cho bé chen vào gần chỗ nồi lẩu. Nhưng tới lúc bé bị té từ kẹt, nó trợt té ngã xuống mới đập tay vô trong đó. Xong sáng thấy bé phòng lên là cho bé lên đây. Đến đây, bác sĩ vệ sinh, rửa sát khuẩn rồi cắt phần phòng rộp cho nó chảy nước ra”.
Từ đầu năm đến nay, số trẻ em đến khám và nhập viện do tai nạn thương tích tại Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, có xu hướng tăng; trong đó ngoại trú hơn 3 ngàn 400 trường hợp và nằm điều trị tại bệnh viện là hơn 500 trường hợp. Phần lớn do bỏng, gãy xương đùi và gãy các phần khác của chi…
Trẻ tham gia hoạt động dã ngoại và đi du lịch với gia đình, người lớn cần quan tâm khi trẻ vui chơi phải đảm bảo an toàn, phù hợp với lứa tuổi |
Theo Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến – Trưởng Khoa Ngoại Tổng Hợp,vào dịp hè số trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích thường tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm. Nếu người lớn lơ là trong phút chốc bé dễ gặp nguy hiểm, kể cả tình huống đơn giản nhất mà chúng ta không ngờ tới. Đặc biệt, trong dịp hè, trẻ dễ bị tai nạn thương tích nhiều nhất.
“Hè này, tức là bắt đầu qua tháng hè là bắt đầu đông lên. Hè thì những tai nạn nó sẽ đặc thù hơn như: chân tay bị đứt, do dao thường là các bé nhỏ, bé lớn ít bị nhưng bé lớn thường bị gãy xương nhiều do chơi thể thao, chạy giỡn hoặc đi xe đạp, rồi đến mấy đứa nhỏ bị bỏng, lớn ít bị. Bây giờ, thấy cũng rất là nhiều nên cảnh báo và nhắc nhở các bậc phụ huynh quản lý con em mình tốt hơn để hạn chế bớt tai biến bệnh lý”, bác sĩ Nguyễn Quang Tiến.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, năm ngoái, thành phố có 7 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích, không có trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra cùng với hơn 1.200 trẻ khác bị thương.
Tai nạn thương tích để lại hậu quả đau lòng, ảnh hưởng đến cả tinh thần và sức khỏe của trẻ và gia đình. Điều đáng nói, không ít trường hợp tai nạn xảy ra ngay trong chính ngôi nhà của trẻ đang sống do sự bất cẩn của người lớn.
Cho trẻ học bơi trong dịp hè là một trong những kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước |
Để phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ trong dịp hè, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phối hợp các sở ngành trên địa bàn, thành phố cũng đã tập trung vào các nhóm giải pháp như: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, đặc biệt là công tác xây dựng và nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Ông Châu Văn Tuốt - Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động -Thương binh & Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết: “Sở sẽ phối hợp với Thành Đoàn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng dạy bơi cho trẻ em trong mùa hè. Đặc biệt là tổ chức các hoạt động hè để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mà trẻ em đuối nước; bị tai nạn thương tích trong dịp hè. Đặc biệt là thực hiện việc xây dựng ngôi nhà an toàn để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sống an toàn”.
Để hạn chế tối đa tai nạn thương tích đối với trẻ em, nhất là trong dịp hè, các bậc cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm chăm sóc chu đáo, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ. Điều quan trọng nhất là phải trang bị cho trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm./.