Các vụ phá rừng còn chậm bị phát hiện, có biểu hiện làm ngơ
Nội dung Công điện cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng được xã hội quan tâm sâu sắc hơn và đã có chuyển biến rõ nét; việc ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm, nên tổng hợp tình trạng vi phạm pháp luật và diện tích bị thiệt hại do hành vi phá rừng trái pháp luật trên phạm vi cả nước giảm.
Tuy vậy, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng có tính nghiêm trọng ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Kiên Giang... Các vụ vi phạm chậm bị phát hiện, xử lý; thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, kỷ cương pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong xã hội.
Lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng ở Đắk Nông trong tháng 4/2018. (Ảnh: Dương Phong). |
Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, phành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; trong đó tập trung một số biện pháp cấp bách sau:
1. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.
2. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng; kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.
3. Khẩn trương phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở.
4. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; rà soát gỗ thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Các địa phương tiếp tục rà soát theo đúng quy hoạch, đình chỉ ngay những cơ sở vi phạm pháp luật, thành lập không đúng quy định của nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ những tụ điểm kinh doanh, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật.
5. Rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất hoạt động công vụ đối với công chức kiểm lâm toàn quốc; xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm, vi phạm tác phong, lề lối làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ.
6. Tăng cường tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng; phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.