Các trường THCS, THPT ở Hà Nội sẽ có phòng tư vấn tâm lý
Học sinh Trường THCS Chu Văn An đến phòng tham vấn tâm lý đọc sách kỹ năng sống. (Ảnh: N.H) |
Tháng 6/2014, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International thành lập mô hình đưa phòng tư vấn tâm lý vào thí điểm tại 20 trường THCS và THPT trên địa bàn.
Trường THCS Cổ Loa (Đông Anh) là một trong 20 trường của Hà Nội may mắn nhận được tài trợ về kinh phí, tài liệu của tổ chức Plan International để triển khai thí điểm xây dựng phòng tư vấn tâm lý trong trường học từ tháng 9/2014 đến nay.
Bà Hoàng Thị An, Hiệu trưởng trường cho biết, trước khi có cán bộ tham vấn tâm lý, ban giám hiệu thường xuyên phải giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến mâu thuẫn của học sinh. Từ khi có cán bộ tham vấn tâm lý, bà An không những nhẹ đầu mà còn học được nhiều kỹ năng trong trao đổi, xử lý các vấn đề của học sinh, phụ huynh. Bà An cho hay, năm đầu tiên lập phòng tư vấn, học sinh còn ngại ngùng nên ít tìm đến phòng này nhưng khi dần quen, các em tìm đến nhiều hơn và cũng chia sẻ nhiều chuyện liên quan đến đời sống gia đình, vướng mắc trong tình bạn, bất đồng với giáo viên…
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, nguồn kinh phí tài trợ đã hết, trường lại rơi vào cảnh khó về nguồn tiền để chi trả cho cán bộ tham vấn. Bà An cho rằng, cần thiết phải duy trì phòng tham vấn nên sẽ nghĩ cách xã hội hóa để chi trả lương cho cán bộ.
Khi giáo viên “hai vai”
Ngoài 20 trường được tài trợ bởi dự án Plan thì nhiều năm qua, xác định được sự cần thiết của mô hình nên một số trường ở Hà Nội cũng tự mày mò để thành lập phòng tâm lý. Tuy nhiên, trường biết cách làm thì thành công, trường lại đang lúng túng xoay xở với nhiều vướng mắc.
Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường đến nay tròn 15 năm. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường vốn là Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nên lúc nào cũng duy trì từ 3-4 cán bộ tham vấn tâm lý. “Phòng lập ra không chỉ để cho học sinh chủ động tìm đến khi có chuyện, mà cán bộ tâm lý được giao nhiệm vụ phải tìm đến học sinh, giáo viên chủ nhiệm để hiểu và ngừa những chuyện có thể xảy ra. Vì thế, nhiều năm nay, ở trường không có chuyện học sinh đánh nhau”, ông Lâm nói.
Ông Phạm Trọng Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nói: “Tôi trăn trở nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể lập riêng được phòng tư vấn cho học sinh vì không có kinh phí”.
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết, hiện có quá nhiều vấn đề xã hội du nhập vào nhà trường nên cần thiết học sinh phải có một chỗ để được tham vấn nếu không các em không tự giải quyết được các vướng mắc. Không có phòng tham vấn, Ban Giám hiệu rất đau đầu vì thường xuyên phải giải quyết nhiều chuyện ngoài sách vở nhưng vẫn không yên tâm, vì lãnh đạo trường không có chuyên môn sâu về tư vấn tâm lý. Bà Hương cho biết, hiện đang rục rịch để thành lập phòng này nhưng cái khó trước mắt vẫn là nguồn kinh phí chi trả cho cán bộ và tìm được người có chuyên môn, kinh nghiệm cũng không dễ.
Xã hội hóa để nhân rộng mô hình
Hà Nội hiện có 939 trường THPT và THCS. Tuy nhiên, ngoài 20 trường xây dựng phòng tư vấn tâm lý chuyên biệt theo dự án thì hiện có rất ít trường triển khai được mô hình này.
Trong khi đó, khảo sát tháng 11/2016 trên 31.000 học sinh tại 20 trường thí điểm dự án của Hà Nội cho thấy, có 50% học sinh cho rằng, có phòng tư vấn tâm lý trường học sẽ khiến các em cảm thấy an toàn hơn. Trong 3 năm có 2.800 học sinh tìm đến phòng tham vấn. Trường có phòng tư vấn thì tỷ lệ học sinh bị bạo hành tinh thần lẫn thể chất giảm hẳn, trong đó bạo lực tinh thần giảm từ 63% xuống còn 7% sau 3 năm. Cũng theo khảo sát này, khi trường chưa triển khai phòng tư vấn tâm lý rất ít học sinh cho biết sẽ tìm đến cha mẹ, giáo viên để hỗ trợ khi bị đe đọa hay gặp vướng mắc trong nhiều chuyện. Cụ thể, có 42% học sinh cho rằng bị bạo lực thân thể, 68% bị bạo lực tinh thần và 36% em bị bạo lực tình dục thường tự mình âm thầm tìm cách giải quyết. Vậy nhưng, sau 3 năm đưa phòng tâm lý vào trường học, có tới 30% cho rằng, sẽ hành động khi chứng kiến bạo lực học đường và nhiều học sinh sẵn sàng tìm đến giáo viên, chuyên gia để được tham vấn.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới ngành giáo dục Hà Nội sẽ nhân rộng việc thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường học. Trước mắt, các trường trong dự án tiếp tục duy trì hoạt động. Dự kiến, cuối năm 2017, tất cả các trường THCS, THPT sẽ có phòng tư vấn. Nguồn kinh phí trước mắt dự kiến sẽ xã hội hóa. Sở đang tính toán “khung chi phí” hoạt động để các trường áp dụng hiệu quả.
Tháng 11, Bộ GD&ĐT đưa ra bản dự thảo về thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông. Trong đó trách nhiệm của các sở là chỉ đạo thành lập bộ phận tư vấn tâm lý trong trường học để tư vấn sức khỏe, giới tính, học tập, tâm sinh lý lứa tuổi, vướng mắc gia đình, xã hội… cho học sinh. Theo thông tư, nguồn kinh phí chi cho hoạt động sẽ vận động từ tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nguồn chi thường xuyên của trường. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho rằng, rất cần thiết phải có mô hình tư vấn tâm lý trong trường học. Lâu nay, không có biên chế vị trí cán bộ tư vấn nên gánh nặng đổ lên vai giáo viên chủ nhiệm.