Các nước sản xuất dầu lửa phối hợp bình ổn thị trường
Saudi Arabia đang tích cực vận động các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước sản xuất ngoài OPEC, cùng hợp tác để cắt giảm sản lượng khai thác, nhằm dần phục hồi giá dầu khi Nga phát tín hiệu ủng hộ, giúp thị trường dầu tiếp tục khởi sắc.
Sau tuyên bố của Tổng thống Nga Putin sẵn sàng bắt tay với OPEC để hạn chế sản lượng khai thác, hôm qua (23/10), Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Khalid al-Falih đã mời Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tham dự cuộc họp với các các bộ trưởng năng lượng thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại Thủ đô Riyadh về ổn định giá dầu.
Nhiều quốc gia trong và ngoài OPEC lạc quan về triển vọng thị trường dầu lửa. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Khalid al-Falih tuyên bố, Saudi Arabia bắt đầu vai trò quan trọng là điều phối giữa Nga (quốc gia sản xuất dầu có ảnh hưởng nằm ngoài OPEC) với các thành viên OPEC.
“Chúng tôi lạc quan về triển vọng thị trường dầu lửa. Thị trường sẽ tiếp tục cải thiện trong những ngày tới. Tất cả các bên đến nay đã đạt được đồng thuận. Bất kể là thành viên OPEC, hay các nước sản xuất dầu nằm ngoài OPEC như Nga, và thậm chí cả những nước tiêu thụ dầu đều nhất trí rằng, sự phục hồi giá dầu sẽ tốt cho sự ổn định thị trường. Quá trình này cần được thúc đẩy càng nhanh càng tốt và cần xây dựng niềm tin vào thị trường”, Bộ trưởng Khalid al-Falih lạc quan.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng phát tín hiệu hợp tác với Saudi Arabia và cho biết, các bên đã thảo luận mức trần khai thác cụ thể cho mỗi bên, nhưng không cho biết con số hoặc những cam kết cụ thể. Bộ trưởng tuyên bố cần cân bằng cung-cầu trong những tháng tới nhằm khuyến khích nguồn vốn đầu tư quay trở lại.
Những năm qua, các thành viên OPEC tự do khai thác tối đa sản lượng dầu thô nhằm giành ưu thế về thị phần, đẩy thị trường vào cảnh cung vượt quá cầu. Đầu năm nay, giá dầu chỉ còn 30 USD/thùng, giảm mạnh so với trên 100 USD/thùng của năm 2014. Tuy nhiên, sau thỏa thuận sơ bộ về giảm sản lượng mà OPEC công bố tại Hội nghị ở Algeria hồi tháng 9, giá dầu đã nhích lên 50 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih khẳng định, cần “khôi phục sự cân bằng cung - cầu ” vì sản lượng dư thừa khiến giá dầu xuống quá thấp, làm suy giảm nguồn thu ngoại tệ tại những quốc gia vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, từ đó gây những bất ổn về an ninh, chính trị như đã diễn ra ở Venezuela.
Tổng thư kí OPEC Mohammed Barkindo kỳ vọng tại cuộc họp vào ngày 30/11 tới, OPEC sẽ phải nhất trí về trần khai thác đối với mỗi thành viên và vạch chi tiết cho kế hoạch hạn chế tổng sản lượng khai thác xuống dưới 33 triệu thùng/ngày.
Giới quan sát cho rằng, con đường đi đến sự đồng thuận sẽ không bằng phẳng bởi một số quốc gia như Iraq, Iran, Lybia và Nigeria do hoàn cảnh chiến tranh hoặc vừa thoát ra khỏi lệnh cấm vận quốc tế sẽ yêu cầu được miễn áp dụng hạn ngạch khai thác.
Ngoài ra, tới nay Nga cũng chưa có cam kết cụ thể về mức độ cắt giảm. Do vậy, thị trường dầu tuy có khởi sắc nhưng chưa thể sớm cân bằng cung - cầu ở mức mà OPEC có thể dễ dàng xoay chuyển như trước đây./.