Các nữ Chủ tịch Quốc hội Thế giới ra Tuyên bố Abu Dhabi
Sau hai ngày thảo luận, các đại biểu đã thống nhất đưa ra một tuyên bố chung - Tuyên bố Abu Dhabi.
Tại tuyên bố này, các Nữ Chủ tịch Quốc hội thống nhất cùng đoàn kết để định hình tương lai, thông qua cam kết hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội nói chung để giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt.
Tại phiên Bế mạc, Tiến sĩ A. Al Qubaisi - Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc gia UAE và Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury đã đồng Tuyên bố Abu Dhabi: “Đoàn kết định hình tương lai, vì một thế giới tốt đẹp hơn”.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc gia UAE và Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới đã đồng Tuyên bố Abu Dhabi |
Các Nữ Chủ tịch đã nhất trí 7 điểm quan trọng, trong đó có những điểm như: Hòa bình và an ninh. Là thể chế mang tính đại diện, thông qua chức năng lập pháp và giám sát, các Nghị viện có thể có những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn bạo lực và xung đột cũng như thúc đẩy giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kể cả đối thoại và hòa giải, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế...
Thúc đẩy hòa bình và an ninh phải dựa trên bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và các giá trị của lòng khoan dung, sự bao trùm, bình đẳng và đối thoại.
Xây dựng xã hội hòa nhập, không phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc, giai cấp, địa lý hay tôn giáo, xã hội bao trùm phải trao quyền cho mọi thành viên…
Các nghị viện cũng phải thúc đẩy sự khoan dung, công bằng kinh tế, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và việc làm, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và tham gia bình đẳng vào tiến trình chính trị bao gồm những cơ chế ra quyết định.
Chủ tịch Quốc hội tại lễ bế mạc |
Tuyến bố Abu Dhabi cũng cho rằng, không khoan dung dẫn tới bạo lực, phân biệt đối xử và khủng bố.
Các nghị viện cần phải khuyến khích lòng khoan dung bằng hoạt động lập pháp, hoạch định chính sách và các cuộc thảo luận tại nghị viện.
Các Nữ Chủ tịch cam kết, đặt hạnh phúc của người dân, hòa bình, thịnh vượng và sự toàn vẹn của hành tinh và nhân loại vào vị trí cốt lõi trong các mục tiêu chiến lược của nghị viện, vào vị trí trung tâm.
Thông qua hành động của nghị viện, đáp ứng các nhu cầu của toàn thể người dân, trong đó có những người thiệt thòi về kinh tế và xã hội.
Tận dụng các cơ hội trong kỷ nguyên số, mở ra đối với các nghị viện và công dân tham gia vào các tiến trình của nghị viện và tăng cường hợp tác quốc tế để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tuyến bố Abu Dhabi cũng có đoạn đề nghị Liên minh Nghị viện Thế giới xem xét một bản tuyên bố nghị viện quốc tế về sự khoan dung hướng tới thúc đẩy và gìn giữ các giá trị của con người và nguyên tắc khoan dung để thúc đẩy hòa bình, an ninh và chống khủng bố, chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Hợp tác với tất cả các bên liên quan, các cơ quan hành pháp, khu vực tư nhân và các đại diện xã hội dân sự, đặc biệt là thanh niên, để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, cũng là chương trình nghị sự cho tương lai của chúng ta.
Các đại biểu tham gia lễ bế mạc hội nghị |
Các Nữ Chủ tịch cũng đã thống nhất hành động, như: Tập trung cho tương lai; Lập kế hoạch chiến lược; Thúc đẩy việc trao quyền cho thanh niên; Thúc đẩy bình đẳng giới; Thúc đẩy thực hiện nội dung Tuyên bố Abu Dhabi; Thể chế hóa nỗ lực đoàn kết.
Phát biểu tại phiên thảo luận riêng về Tuyên bố Abu Dhabi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bản dự thảo có nội dung cân bằng, toàn diện, thể hiện được những xu thế lớn đang định hình tương lai của thế giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ….
Đồng thời, Dự thảo Tuyên bố cũng đã thể hiện ý chí, cam kết của các nữ Chủ tịch Quốc hội trong việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu đối với hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Trước đó, Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11, đã tiến hành 8 phiên thảo luận chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu ở phiên thảo luận thứ 3 với chủ đề: Đoàn kết bảo vệ một hành tinh lành mạnh”./.