Bỗng dưng liệt tứ chi, teo cơ sau 3 tháng uống thuốc nam
“Nạp” chì qua thuốc nam
Sáng 11/4, tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), chị Kh đang tập đi trở lại sau đợt điều trị thải độc chì tại đây. Dù mới chỉ chập chững đi được vài bước, chưa tự xoay người, chưa tự ngồi lên được nhưng chị Kh vẫn thấy quá may mắn so với ngày đầu nhập viện.
Bệnh nhân gầy sút, thiếu máu, teo cơ sau 3 tháng uống thuốc nam. Ảnh: T.A |
Kết quả xét nghiệm chì trong máu bệnh nhân lên tới 188,79 mcg/100 ml; viên thuốc màu đỏ bệnh nhân uống mang theo đến viện, xét nghiệm có gần 3% là chì.
Chị Kh. Cho biết, cách đây 7 tháng chị có cảm giác đau khớp gối nên đi khám tại bệnh viện gần nhà, bác sĩ chưa phát hiện bệnh. Qua một người quen, chị đã mua thuốc của bà lang uống, với lời phán bệnh phong hàn. Sau một thời gian uống thuốc, tình trạng đau khớp gối không giảm, chị lại được thầy lang cho một loại thuốc khác gồm cả thuốc bột, thuốc viên, thuốc lá.
Sau gần 3 tháng uống thuốc, chị Kh. Thấy người càng ngày càng xanh xao, sút cân, tay chân cử động khó, đến lúc không thể tự đi lại được. Tại thời điểm vào viện, bệnh nhân chỉ còn 32kg, sút 8kg so với thời kỳ trước khi uống thuốc nam.
Khó hồi phục hoàn toàn
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, đây là trường hợp chịu di chứng liệt nặng nhất do ngộ độc chì mà các bác sĩ gặp.
Trước đó, ngày 24/3/2017 bệnh nhân được đưa đến Trung tâm trong tình trạng người xanh xao gầy sút cần hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, cũng không thể tự nghiêng mình được.
BS Nguyên cho biết, tình trạng liệt tứ chi của bệnh nhân là do chì gây tổn thương dây thần kinh. Cũng vì chì khiến bệnh nhân thiếu máu, sút cân. Bệnh nhân bị liệt rất nặng, không thể tự nghiêng mình được.
“Cứ ngỡ uống thuốc để khỏi bệnh, nào ngờ rước họa vào thân, đến mức tay chân teo lại, không thể tự vận động, chăm sóc bản thân”, chị Kh. ân hận nói.
Sau 3 tuần thải độc chì, tình trạng bệnh nhân đã đỡ hơn nhưng vẫn chưa thể tự đi lại, tự xoay người do teo cơ, tổn thương dây thần kinh. Ảnh: T.A |
Bệnh nhân sẽ tiếp tục được thải độc chì và hội chẩn cơ xương khớp, phục hồi chức năng để hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên thời gian thải độc chì có thể kéo dài hàng năm, thậm chí cả đời do chì tích lũy trong xương rất nhiều, việc thải độc rất chậm. BS cũng đánh giá bệnh nhân khó có thể hồi phục 100% bởi chì đã gây tổn thương dây thần kinh.
Theo các chuyên gia, chì là một chất cực độc, khó thải loại nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, liệt thần kinh mắt,suy thận.
Theo BS Nguyên, cách đây vài năm, rộ lên hàng loạt trẻ phải nhập viện thải độc chì vì cha mẹ uống thuốc cam bồi bổ, chữa bệnh. Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động, tổn thương dây thần kinh...
Chì có thể được trộn vào thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, vì thế bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý uống thuốc không rõ nguồn gốc để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc nguy hiểm,
Nếu có những biểu hiện bất thường như sụt cân, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, co giật.... nên đưa bệnh nhân đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời.