Bóng đá Thái Lan liên tiếp có thành tựu, bóng đá Việt Nam lo đấu đá ở thượng tầng
Tại giải vô địch bóng đá nữ châu Á, đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan chỉ chịu mất vé chơi trận chung kết trước Australia vì thiếu một chút may mắn, khi thua ở loạt sút luân lưu.
Nên nhớ, Australia là đội bóng rất mạnh, từng thắng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đến 8-0 cũng tại vòng bảng giải đấu này. Việc Thái Lan buộc họ phải giải quyết thắng – thua bằng loạt sút luân lưu vì thế là thành công rất lớn.
Và dù có đi đến trận cuối cùng của giải vô địch châu Á hay không, đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan cũng đã giành quyền vào VCK World Cup bóng đá nữ 2019. Đây là lần thứ 2 liên tiếp họ thực hiện được điều này, sau lần đầu cách nay 4 năm, bằng chiến thắng trước chính đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, trong trận play-off tranh vé vớt trên sân Thống Nhất (TPHCM).
Tiếc rằng ngay trong bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam hiện nay, mỗi người lại đang nhìn về một hướng riêng lẻ (ảnh: Trọng Vũ) |
Còn ở tầm CLB, ít ngày trước, Buriram United của Thái Lan đã giành quyền vào vòng knock-out AFC Champions League, sân chơi có tính chất vô địch châu Á tầm CLB.
Buriram United đi tiếp dù nằm trong bảng đấu có cả đại diện của 3 ông của bóng đá châu lục gồm Guangzhou Evegrande (Trung Quốc), Cerezo Osaka (Nhật Bản) và Jeju United (Hàn Quốc).
Đội bóng Thái Lan chỉ chịu xếp dưới đội bóng siêu giàu, lại tập hợp nhiều ngôi sao tầm thế giới là Guangzhou Evergrande, còn lại họ vượt mặt cả đại diện của Nhật lẫn đại diện của Hàn Quốc.
AFC Champions là sân chơi hạng nhất của bóng đá châu Á tầm CLB, thế nhưng các đội bóng Thái Lan vẫn đường hoàng thi thố tại sân chơi này, trong khi các CLB của bóng đá Việt Nam vẫn thường lận đận ở sân chơi hạng hai của bóng đá châu lục là AFC Cup. Điều đó chứng tỏ nền tảng của bóng đá Thái Lan đang vượt xa bóng đá Việt Nam.
Ngay ở chuyện xuất khẩu cầu thủ, bóng đá Thái Lan cũng thành công hơn hẳn. 3 ngôi sao hàng đầu của bóng đá đất Chùa Vàng gồm Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda và Theerathon Bunmathan đều thường xuyên thi đấu chính thức tại đấu hàng đầu J-League 1 của Nhật.
Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam cách nay khoảng 3 tháng thay vì là bàn đạp để cả làng cầu siết tay nhau tiến lên, giờ buồn thay lại trở thành xuất phát điểm của những tranh cãi, thậm chí tranh công |
Ngược lại, những cầu thủ nổi đình nổi đám nhất của bóng đá Việt Nam gồm Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh chỉ ngồi dự bị ở các đội bóng của Nhật và Hàn Quốc, trong đó có người đá ở giải hạng dưới của Nhật vẫn ít khi được đăng ký vào danh sách thi đấu.
Ấy thế mà cùng thời điểm bóng đá Thái Lan gặt hái nhiều thành tựu, vẫn khá khiêm tốn và im tiếng với các thành tựu của họ, thì bóng đá chứng kiến cảnh ồn ào chưa từng thấy, liên quan đến các vị trí lãnh đạo bộ máy điều hành bóng đá VFF trước nhiệm kỳ mới.
Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á cách nay khoảng 3 tháng ngỡ đâu sẽ là cú hích, là động lực để cả làng cầu siết tay nhau tiến lên, thì giờ lại là một trong những vấn đề khiến các bên trong cuộc đua đến các cương vị chủ chốt của VFF tới đây tranh cãi, và thậm chí có cả tranh công.
Vấn đề còn nằm ở chỗ điều cần đối với tất cả mọi ứng viên là cương lĩnh tranh cử và chương trình hành động, để thuyết phục người hâm mộ và những người bỏ phiếu thì các ứng viên lại thiếu, trong khi những chiêu trò, những lời lẽ, thậm chí có cả những đòn hiểm nhằm công kích, hạ thấp uy tín cá nhân của nhau lại được các bên tung ra với tần suất quá nhiều!
Chỉ sợ với tình trạng nêu trên, bên nào thắng thì bóng đá Việt Nam cũng… thua, do sự chia rẽ về mặt quan điểm, và do các nguồn lực vốn đang hoạt động trong bóng đá không thể tìm thấy điểm chung để cùng cộng tác, trong khi bóng đá rất cần sự chung tay của nhiều nguồn lực xã hội.
Lại nhớ lời than của chính giới cầu thủ năm nào: “Các bác cãi nhau xong chưa, để bọn cháu còn tập trung vào đá bóng?!”.