Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Điển hình tốt nhân rộng, chưa tốt không giấu”
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Nhiều vấn đề giáo dục, Bộ trưởng biết qua báo chí
Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rà soát, đánh giá cao tinh thần triển khai nghiêm túc 10 nhiệm vụ kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với giám đốc các Sở GD&ĐT (Thông báo số 338/TB-BGDĐT ngày 27/5/2016) của các sở, cục, vụ, văn phòng. Trong đó, nổi bật là bám sát thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và phối hợp trong chỉ đạo để triển khai thay thế một số văn bản điều hành như Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học, tạo tâm lý xã hội tốt. Những nảy sinh từ mô hình đổi mới, trong đó có VNEN cũng đã được sắp xếp hợp lý.
Đồng thời, quan hệ trao đổi thông tin giữa các Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT có chuyển biến tích cực. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao 7 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nhiệm kỳ của mình, ông sẽ đến từng địa phương, nắm bắt từ địa phương một cách sát thực, hình thành một cách phối hợp hoạt động, trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn đọng các hạn chế như một số địa phương chưa báo cáo, công tác chủ động rà soát báo cáo các vấn đề của địa phương làm chưa tốt, hầu hết các vấn đề Bộ trưởng được biết qua báo chí. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, trao đổi cập nhật thông tin, phát hiện vấn đề để thông suốt chủ trương, từ các sở lan tỏa xuống phòng, các trường, giáo viên để giải quyết hạn chế.
Giám đốc Sở phải trực tiếp phụ trách truyền thông
Chỉ đạo phương hướng học kỳ 2, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT 63 tỉnh tiếp tục rà soát thực hiện 10 nhiệm vụ đã được Bộ trưởng kết luận vào tháng 5/2016, bám sát “9 nhiệm vụ - 5 giải pháp” theo chỉ thị năm học 2016-2017. Khắc phục ngay những hạn chế, ví dụ như xây dựng kế hoạch truyền thông thực hiện Nghị quyết 29, các tỉnh đã có kế hoạch thì phải rà soát tính khả thi, có hành động cụ thể.
Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị, Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm chính và trực tiếp về truyền thông.
“Sau đây những vấn đề giáo dục địa phương, nếu hỏi đến đồng chí giám đốc sở nào không biết thì người đó phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ rõ, những điển hình tiên tiến, mô hình tốt tổng kết lại để tham khảo, nhân rộng. Những vấn đề chưa tốt các tỉnh không giấu, bằng điện thoại, bằng email, báo cáo Bộ trưởng để có hướng cùng bàn bạc, giải quyết.
Đại diện các Sở GD&ĐT sôi nổi, thẳng thắn thảo luận. |
Bồi dưỡng nghiệp vụ giám đốc, phó giám đốc Sở
Đó là hai trọng tâm về nguồn lực con người trong ngành Giáo dục mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. Ông cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các Sở GD&ĐT thành một chuỗi.
Trong đó, chương trình đào tạo sư phạm các cấp tiến tới một chương trình thống nhất, chuẩn. Bộ trưởng cho biết, Bộ đang mời các giáo sư, các thầy cô kinh nghiệm chuẩn bị, phản biện để xây dựng chương trình chuẩn gắn với chương trình sách giáo khoa mới, áp dụng trong toàn quốc. Các trường sư phạm phải bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại.
Bộ chỉ giao một số trường có uy tín, chất lượng đào tạo giáo viên, tránh tình trạng có một số trường hiện nay không có chức năng sư phạm nhưng mở thêm khoa đào tạo giáo viên. Vừa qua, Chính phủ đã có quyết định chuyển các trường Trung cấp, Cao đẳng về Bộ LĐTB&XH nhưng riêng các trường Sư phạm vẫn do Bộ quản lý để tránh tình trạng có trường cao đẳng không phải trường sư phạm nhưng có ngành sư phạm, dẫn tới không thống nhất.
Xác định chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng đề nghị cân đối thừa – thiếu, có lộ trình thích hợp gắn với chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới, điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo để dự báo cho chính quyền có kế hoạch đầu tư. Ông lưu ý, ngân sách trung ương có hạn, phải đặt vấn đề chia sẻ trung ương, địa phương, xã hội hóa. Tăng cường đầu tư theo hướng bài bản, tập trung nhiều cho vùng khó khăn, đối với các trường chuyên, trường trọng điểm kêu gọi xã hội hóa.
Năm mới 2017, Bộ trưởng đề nghị đặt trọng tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý, trước hết là cấp giám đốc và phó giám đốc các Sở GD&ĐT. Bộ trưởng giao cho Học viện quản lý giáo dục nhanh chóng xây dựng các chương trình chuẩn, trước mắt có các lớp bồi dưỡng, cung cấp thông tin dưới dạng cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình, kỹ năng điều hành cho các thầy cô đứng đầu ngành giáo dục địa phương.
Bộ trưởng tin tưởng, khi đội ngũ quản lý được quan tâm bồi dưỡng được tiếp cận với những thông tin, kinh nghiệm quản lý, hiệu quả điều hành sẽ cao hơn.
Bộ trưởng Nhạ quán triệt Cục Khảo thí, Vụ Trung học phối hợp với các vụ, cục liên quan thực hiện nhiệm vụ thi và đổi mới kỳ thi. Nhanh chóng xây dựng các hướng dẫn chi tiết cả về kế hoạch cũng như nội dung từng công việc, nghiệp vụ để các giám đốc Sở rõ và có chương trình hướng dẫn theo chương trình. Tất cả hướng đến nhiệm vụ là kỳ thi thực hiện theo đúng mục đích khách quan, công bằng, gọn nhẹ, hiệu quả.