Bộ GTVT và Hà Nội đang đối thoại với các nhà xe bỏ bến, chặn cao tốc
Sự kiện một số nhà xe chạy tuyến Thái Bình- Nước Ngầm, Nam Định- Nước Ngầm bỏ bến, rồng rắn kéo xe ra đỗ trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sáng 28/2 đã khiến an ninh trật tự trở nên căng thẳng, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, vào 14h chiều nay (1/3), lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cùng Sở GTVT Hà Nội sẽ đối thoại với các nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến.
Hình ảnh cuộc họp đối thoại với các doanh nghiệp vận tải tại Sở GTVT Hà Nội chiều 1/3. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và Sở GTVT đối thoại với các doanh nghiệp điều chuyển luồng tuyến, từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, lắng nghe ý kiến của đại diện Sở GTVT các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa Và Nghệ An, cùng bàn bạc, tìm phương án tháo gỡ một cách hợp lý nhất, vừa đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng vừa đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách là chủ trương của thành phố Hà Nội mà mục tiêu lớn nhất là giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường vành đai 3, đảm bảo lợi ích chung.
"Chúng tôi rất hoan nghênh đa phần các doanh nghiệp đã thực hiện điều chuyển kịp thời, nghiêm túc, theo đó tình hình ùn tắc trên tuyến vành đai 3 đã giảm. Chúng tôi ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình điều chuyển luồng tuyến phải thay đổi phương án kinh doanh, một bộ phận khách quen trước đây bị giảm. Tuy nhiên, việc đưa xe chạy rỗng, rồng rắn về Hà Nội của các doanh nghiệp vận tải là sai, vi phạm quy định. Chúng tôi đang tiếp tục cùng các doanh nghiệp xem xét để tìm ra phương án tốt nhất", ông Vũ Văn Viện cho biết.
Theo đó, trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết về chủ trương điều chuyển luồng tuyến; rà soát đảm bảo kết nối xe buýt để phục vụ nhân dân đi lại giữa các bến xe và làm việc với các doanh nghiệp để tìm biện pháp giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình chuyển đổi.
Tối qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã huy động một số xe cứu hộ giao thông đến để tiến hành cưỡng chế 1 số xe khách của các nhà xe đỗ trên đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ. |
Liên quan đến các nhà xe dừng đỗ đầu trạm thu phí Pháp Vân để phản đối việc điều chuyển luồng tuyến, sau khi được giải thích, vận động vẫn không chịu quay về, vào khoảng 22h đêm 28/2, lực lượng Cảnh sát giao thông đã huy động một số xe cứu hộ giao thông đến để tiến hành cưỡng chế 1 số xe khách của các nhà xe đỗ trên đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, trước trạm thu phí Pháp Vân (Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi lực lượng chức năng cưỡng chế cẩu một số xe, các nhà xe khác đã tự động đưa xe về./.
Trước đó, như VOV.VN đưa tin, vào sáng 28/2, khoảng gần 100 nhà xe chạy tuyến Thái Bình- Hà Nội (bến xe Nước Ngầm) và Nam Định- Hà Nội (bến xe Nước Ngầm) đã chạy xe rỗng về Hà Nội, "cắm chốt" trước trạm thu phí Pháp Vân để bày tỏ sự phản đối việc điều chuyển luồng tuyến từ bến Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.
Các nhà xe cho rằng, sau 2 tháng điều chuyển, lượng khách đi lại không có, đặc biệt phí ở bến xe Nước Ngầm quá cao nên họ buộc phải kéo ra đường để phản đối.
Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, bắt đầu từ ngày 2/1, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện phân luồng tuyến xe khách, điều chuyển hơn 500 lượt xe đi các tỉnh phía Nam như Nam Định, Thái Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... từ bến Mỹ Đình đi bến Yên Nghĩa và Nước Ngầm, trong đó chủ yếu về bến xe Nước Ngầm.