Bộ đội là phải vào nơi nguy hiểm trước
Đồng chí trực ban tác chiến hướng dẫn tôi đến gặp Trung tá Mai Thế Sỹ, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị trực chỉ huy đơn vị. Qua thông tin của đồng chí Chính trị viên phó, chúng tôi được biết, hơn 90% quân số cơ quan quân sự huyện, bao gồm cả đồng chí Chỉ huy trưởng và Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện đã có mặt tại công trường đê xã Ba Đình (huyện Nga Sơn), nơi xung yếu nhất trên tuyến đê sông Hoạt thuộc địa bàn huyện.
Thiếu tá Hoàng Văn Quý. |
Theo chỉ dẫn của Chính trị viên phó Mai Thế Sỹ, chúng tôi cơ động đến điểm đê xã Ba Đình. Đi qua những đoạn đường còn ngập nước, đến nơi, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, Công an huyện Nga Sơn và dân quân, tự vệ, cùng các lực lượng của xã Ba Đình đang gia cố đoạn đê xung yếu. Đồng chí Hoàng Thị Huệ, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Đình giới thiệu: Đây là đoạn đê bị sạt lở tới 3/4 mái đê. Mấy ngày hôm nay, cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự, công an, dân quân, tự vệ liên tục có mặt, xử lý sự cố và gia cố đê, đồng thời ứng trực, tuần tra phát hiện, kịp thời xử trí các sự cố ở các điểm khác. Đoạn đê xảy ra sự cố này là của thôn Chiến Thắng, xã Ba Đình. Còn giữ được đê, cả xã tôi không bị ngập là nhờ bộ đội, nhất là các đồng chí như Thiếu tá Hoàng Văn Quý và Trung úy Nguyễn Hữu Trọng, thuộc Ban CHQS huyện Nga Sơn.
Theo giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm gặp Thiếu tá Hoàng Văn Quý và Trung úy Nguyễn Hữu Trọng, khi các anh đang cùng đồng đội, dân quân, tự vệ gia cố đoạn đê này. Trước khi để chúng tôi trò chuyện, Thượng tá Dương Văn Thân, Chính trị viên Ban CHQS huyện Nga Sơn bảo: Đồng chí Quý và đồng chí Trọng là hai sĩ quan dũng cảm. Ngày 11-10, giữa lúc nước lũ dâng cao tràn mặt đê, đê lại sụt lún gần 3/4, sắp vỡ, hai đồng chí đã đi đầu cầm búa và cọc tre đến đóng cọc, lập hàng rào giữ thân đê, chống sụt. Hành động của hai đồng chí thúc giục cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ cùng nối nhau lội nước, ra thân đê đóng cọc, đổ đất, rọ đá giữ thân đê...
Dân quân xã Ba Đình (huyện Nga Sơn) gia cố đê. |
Thiếu tá Hoàng Văn Quý là trợ lý Ban Chính trị (Ban CHQS huyện Nga Sơn) trong công việc luôn cần mẫn. Ngay từ những ngày đầu mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa, anh đã ở lại đơn vị trực phòng chống lụt bão, thiên tai. Khi có lệnh ứng cứu đê, anh lên đường ngay. Anh Quý kể: Khi chúng tôi đến, nước lũ ngày càng dâng cao, cuồn cuộn chảy. Đê lại nứt sụt đến 3/4, nguy bách quá, nhưng ai cũng lo lắng nếu ra đắp đê mà đê vỡ, nước cuốn phăng ra đồng ruộng mênh mông. Tôi nghĩ, bộ đội là phải đi trước vào nơi nguy hiểm. Thế là tôi cùng đồng chí Trọng cầm vồ, cọc tre đi trước, đóc cọc vào thân đê. Sau đó, các anh em khác cùng làm theo, nhanh chóng gia cố, giữ được thân đê không bị sụp vỡ!
Trung úy Nguyễn Hữu Trọng là nhân viên quân khí Ban Hậu cần-Kỹ thuật (Ban CHQS huyện Nga Sơn) cũng là người có mặt trực phòng chống lụt bão, thiên tai từ những ngày đầu. Anh đã thức nhiều đêm canh trực và tham gia lao động vận chuyển vật liệu gia cố đê cùng mọi người. Khi đỉnh lũ lớn, đê có nguy cơ không chịu đựng nổi, anh có mặt kịp thời cùng với đồng đội, dân quân, tự vệ, nhân dân ứng cứu đê. Anh Trọng bảo: Công việc của tôi cũng bình thường thôi. Tôi chỉ nghĩ, nếu vỡ đê là thảm họa, bao nhiêu ngôi nhà bị lũ cuốn, làng mạc chìm trong nước, đời sống nhân dân lại khổ cực lắm. Tôi có vất vả, chịu đói rét, mà người dân an toàn là tôi yên tâm rồi!
Đồng chí Thịnh Văn Uyên, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn liên tục có mặt tại hiện trường để nắm tình hình và đôn đốc, chỉ đạo công việc ứng phó, gia cố đê, chống lũ. Anh cho biết: Nga Sơn có 15km đê đất, chưa được nâng cấp kể từ năm 2005. Hơn 100 năm nay, huyện mới có trận lũ lớn thế này. Ngoài đoạn đê của thôn Chiến Thắng (xã Ba Đình), huyện còn có nhiều đoạn đê trên tuyến rất xung yếu, có đoạn rò rỉ, sủi tăm, nước đục rất nguy hiểm. Tổng số điểm xung yếu lên tới 4km. Chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện các điểm xung yếu, nguy hiểm, liền huy động lực lượng quân đội, công an và dân quân, tự vệ. Ban CHQS huyện còn điều động dân quân của các xã vùng cao đến ứng cứu đê và gia cố đê. Nhờ đó, tuyến đê toàn huyện cơ bản được giữ vững, các điểm xung yếu, nguy cơ vỡ và sạt lở nghiêm trọng đều được xử lý và gia cố kịp thời. Có được điều đó là do cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, công an, dân quân, tự vệ đóng vai trò nòng cốt, không quản ngại khó khăn lao động quên mình chống lũ, giữ đê; thực sự là chỗ dựa của chính quyền và nhân dân.