Bộ Công Thương tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Công Thương trong năm 2016 đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đã có nhiều văn bản đã được rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tháo gỡ những rào cản đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Công tác này của Bộ Công Thương đã được Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp đánh giá cao.
Trong năm 2016, đã có nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh được Bộ Công Thương bãi bỏ, sửa đổi, thay mới, như bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để điều hành sát thị trường hơn; ban hành Thông tư 24/BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; Thông tư số 36 thay thế Thông tư 07 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong năm 2017. |
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá cao việc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; Việc sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40 cũng là những nỗ lực cải thiện thị trường của ngành Công Thương trong năm 2016 vừa qua.
“Việc cải cách hành chính ở các bộ như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cơ quan thuế, hải quan…đã giúp cho khoảng thời gian thực hiện các dịch vụ công được rút ngắn. Đối với doanh nghiệp dệt may, thời gian giao hàng có thể coi là cốt lõi của cạnh tranh, nếu Việt Nam tiếp tục theo hướng cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận tiện hơn, giảm chi phí sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo”, ông Trường đánh giá.
Cũng trong năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp Tổng cục Hải quan và các cơ quan Bộ, ngành triển khai kết nối 5 thủ tục hành chính với Cơ chế một cửa quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng đã mở rộng triển khai 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 và hầu hết các thủ tục hành chính công đã được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến.
Ông Bang Hyunwoo - Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng, việc mở rộng nhà xưởng của Samsung tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2016 có sự đóng góp quan trọng từ hỗ trợ của ngành công thương trong việc đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, đàm phán, ký kết các hiệp định giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.
Ông Bang Hyunwoo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục thực thi tốt các chính sách để các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao mang thương hiệu Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
“Samsung mong muốn Việt Nam sẽ sớm được công nhận thể chế kinh tế thị trường. Để sớm đạt được điều này, các thủ tục liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép cần được đơn giản hóa hơn nữa. Việc Bộ Công Thương đã áp dụng Hệ thống chứng nhận điện tử Eco có thể coi là một ví dụ điển hình xuất sắc. Samsung rất mong Hệ thống chứng nhận này có thể được nhân rộng ra tới nhiều bộ ban ngành khác của Việt Nam”, ông Bang Hyunwoo chỉ rõ.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2016 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành quyết định phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (tương đương với đơn giản hóa khoảng 28% tổng số thủ tục hành chính hiện có).
Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh khẳng định, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh tiếp tục là ưu tiên của bộ này trong năm 2017.
“Việc đầu tiên của Bộ Công Thương thực hiện trong năm 2017 vẫn sẽ là tiếp tục nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện, kiện toàn thể chế. Điều này sẽ tạo ra một môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp đều có sự bình đẳng, có thể tiếp cận đầy đủ nguồn lực của quốc gia trong nhu cầu phát triển”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để tiếp cận với thị trường các nước. Do đó phải làm sao phải vừa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa phải bảo vệ hệ thống sản xuất trong nước và thị trường nội địa bằng những công cụ và biện pháp phù hợp với các cam kết hội nhập.
“Đây là yêu cầu lớn và cấp bách đặt ra đối với Bộ Công Thương - Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu và quản lý thị trường phải làm tốt hơn, ở tầm cao hơn trong năm 2017 này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết./.