Bỏ biên chế giáo viên: Cần tính toán kỹ lưỡng
Liên quan đến chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, cần cứu kỹ lưỡng, phải có lộ trình cũng như sự tham vấn rộng rãi từ dư luận xã hội và các giáo viên.
ĐBQH Lê Thanh Vân, đoàn Hải Phòng. |
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Hải Phòng, bỏ biên chế giáo viên, nếu làm đúng thì sẽ là bước đột phá trong nhận thức. Nhưng nếu triển khai không tốt sẽ bị lợi dụng, nhất là đối với những người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Họ sẽ lợi dụng chủ trương này để thanh trừng và loại bỏ giáo viên một cách tùy tiện và tạo ra sự lệ thuộc giữa giáo viên với người đứng đầu.
Để chủ trương này thực hiện tốt, đại biểu Vân cho rằng, cần có cơ chế giám sát minh bạch, khách quan. Muốn vậy phải tuyển được người đứng đầu cơ sở thực sự có lương tâm, trách nhiệm, năng lực.
“Cách làm nếu công tâm minh bạch nó có thể thay đổi về chất, tạo ra sự cạnh tranh theo nhu cầu và hướng tới chất lượng giáo viên. Chỉ có thể đáp ứng về yêu cầu tiêu chuẩn anh là giáo viên chuẩn mực mới lọt qua cơ chế đó. Lâu nay chúng ta đưa giáo viên vào viên chức, đó là dạng biên chế và họ cứ thế họ ung dung giảng bài cho dù chất lượng có kém hay tốt không ai đánh giá. Đây là bước đột phá để chúng ta sàng lọc”, ông Lê Thanh Vân cho biết.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, đây là chủ trương không chỉ có liên quan đến giáo viên mà cả học sinh nữa.
Về lý thuyết, bỏ biên chế giáo viên là nhằm tạo ra những động lực cho sự phát triển, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên để triển khai trên thực tế cần phải thận trọng, tính toán kỹ và phải có lộ trình, không thể thay đổi ngay được. Bởi đằng sau việc thực hiện bỏ biên chế giáo viên là một loạt mối quan hệ xã hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn, nếu thực hiện chủ trương này, sẽ tạo ra thị trường rất lớn trong lĩnh vực giáo dục, như vậy có kiểm soát được không, hay lại tạo ra cơ hội cho lợi ích nhóm?.
“Tôi nghĩ nếu thí điểm phải có lộ trình cụ thể. Thực ra đây là vấn đề liên quan đến trường công lập. Nhưng chính các trường công luôn phải giữ vai trò đầu tàu, chuẩn mực, cần phải rất tránh sự xáo trộn. Chủ trương này sẽ là con dao hai lưỡi nên phải có giám sát. Vì tuy gọi là hợp đồng nhưng cũng phải dựa trên cơ sở chuẩn mực và phải có sự giám sát”, ông Dương Trung Quốc nói.
Có ý kiến cho rằng, xóa bỏ biên chế phải đi kèm với việc tăng lương, tăng phúc lợi cho giáo viên, nếu không sẽ dẫn đến cuộc sống giáo viên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với những giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Từ thực tế tại địa phương, đại biểu Vương Ngọc Hà, đoàn Hà Giang nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, mỗi chính sách, nhất là đối với lực lượng giáo viên và những cán bộ tại địa bàn cơ sở trước khi thực hiện thì rất cần lấy ý kiến của những người sẽ thụ hưởng chính sách đó, đó là các giáo viên.
Tôi thấy rằng ở vùng cao sự nỗ lực rất lớn của những giáo viên vượt qua tất cả khó khăn mang con chữ đến với học sinh. Do vậy, riêng với miền núi cần có quy định cụ thể”.