Bầu 161 Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII
Trong ngày làm việc thứ hai của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 12, ngày 8/3, Đại hội đã bầu 161 Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2017-2022.
Đây là những người có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm huyết và tự nguyện tham gia công tác Hội; thể hiện tính liên hiệp rộng rãi, phản ánh ý chí, nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam.
Đại hội biểu quyết bầu Ban Chấp hành Hội phụ nữ khóa XII |
Cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề phụ nữ quan tâm. Một trong những vấn đề được các đại biểu và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tham luận tại Đại hội là nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.
Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trịnh Thanh Hằng cho biết, với hơn 40%, nữ công nhân viên chức lao động là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đời sống một bộ phận công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động nữ nhập cư. Nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi vui chơi giải trí còn rất hạn chế; thu nhập thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm không ổn định làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nữ công nhân lao động. Số lượng nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ nữ và chưa phát huy được hết khả năng đóng góp của công nhân viên chức lao động.
Bà Trịnh Thanh Hằng cũng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo công đoàn, ban nữ công công đoàn các cấp, đổi mới nội dung tuyên truyền giáo dục, tăng cường chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nữ công nhân viên chức lao động, tổ chức tốt các hoạt động về giới, gia đình, trẻ em và các hoạt động xã hội trong nữ công nhân viên chức lao động. Đồng thời, đại diện, tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ.
Những năm qua, việc nâng cao nguồn nhân lực, tạo việc làm cho phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.000 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đẩy mạnh. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Việt Nam đưa được từ 80.000-100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, 35-40% là nữ giới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, đổi mới công tác quản lý về giáo dục nghề nghiệp, được coi là một trong hai giải pháp đột phá.
Sáng 9/3, Đại hội họp phiên bế mạc./.