Bất ổn trong ứng xử học đường vì thiếu dân chủ
Không chờ đến vụ lùm xùm ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, vấn đề vi phạm dân chủ ở trường học đã được một số nhà giáo dục, nhà giáo ở TPHCM đề cập tại tọa đàm bàn tròn “Ứng xử học đường nhìn từ phía thầy cô” cách đây khá lâu. Ở đó, họ đã lên tiếng nói về sự thiếu dân chủ trong trường học quyền lực rơi vào một số người dẫn đến tiếng nói phản biện bị “bóp nghẹt”.
Vấn đề được đưa ra trao đổi cụ thể tại buổi tọa đàm là tình trạng bạo lực học đường bắt nguồn từ giáo viên. Việc giáo viên đánh đập, mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm học sinh không phải là hiện tượng cá biệt mà diễn ra ở nhiều nơi. Không phải giáo viên nào cũng đồng tình với việc giáo dục bằng đòn roi nhưng vì đâu lại rất ít giáo viên lên tiếng?
Nhiều nhà giáo cắt từng khúc ruột khi học trò bị bạo lực bởi chính thầy cô; họ bức xúc khi đồng nghiệp của mình sử dụng các phương pháp phản sư phạm trong giáo dục cũng như làm ảnh hưởng, bôi đen đến hình ảnh nhà giáo. Tiếng nói của họ dù đứng về lẽ phải nhưng nếu không “lọt tai”, không cùng chí hướng với hiệu trưởng thì sẽ trở thành “kẻ đối đầu” nên không ít người chọn cách im lặng.
Dân chủ trường học bị vi phạm, nhiều nhà giáo không dễ dàng được yên ổn để dốc sức cho nghề (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Cô N.T.T.H., giáo viên dạy Văn ở quận 4, TPHCM, được xem là “người một cõi” trong nhà trường cho biết, 20 năm ở trường công lập cô thấy rõ giáo viên bị “điều chỉnh” bởi áp lực thành tích, nhất là đến từ hiệu trưởng và phụ huynh. Giáo viên dùng bạo lực với học trò vì nghĩ làm như vậy các em mới sợ và hơn hết, hiệu trưởng nhiều trường thừa nhận và đồng tình với phương thức này. Nhiều người không đồng tình cũng không lên tiếng phải đối được.
Cô H. nói nhiều giáo viên bị áp lực mà tự ý bỏ việc chứ không chờ bị đuổi. Như trường hợp giáo viên dạy tiếng Anh ở trường cô có những ý kiến trái với hiệu trưởng đã chủ động nghỉ việc.
Một giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM cũng bày tỏ, ở phổ thông hiệu trưởng có rất nhiều quyền lực, giáo viên phản đối hiệu trưởng sẽ bị đánh giá cực kỳ tồi tệ. Những giáo viên có tinh thần phản biện, đấu tranh được yên ổn đến giờ là nhờ họ đạt được chuyên môn. Còn những người không đạt thì họ ngại, né tránh việc lên tiếng hoặc chọn cách im lặng.
Từng làm quản lý khối tiểu học của Sở GD-ĐT TPHCM, ông Lê Ngọc Điệp cho rằng, trong hội đồng sư phạm, nếu là một hiện tượng phổ biến, nhiều giáo viên lên tiếng, hiệu trưởng sẽ phải can thiệp. Nhiều giáo viên cùng lên tiếng phản biện thì hiệu trưởng không thể ngồi yên. Ngoài ra, theo ông Điệp, nhà trường có cả bộ máy, từ chi bộ, công đoàn, hội đồng sư phạm nêu nếu giáo viên dũng cảm, có tâm huyết, có phương pháp thì ông tin sẽ đấu tranh được.
Ông Điệp kể, khi chưa về hưu, trường học có vấn đề, ông hỏi hiệu trưởng và giáo viên có đọc, có nắm được điều lệ trường tiểu học không? Lúc đó họ mới lật đật đi tìm vì nó được cất kỹ trong tủ, khóa lại.
“Tôi đã chỉ một vài điều trong đó về quyền giáo viên, quyền của hiệu trưởng. Giáo viên có thể bị thuyên chuyển nếu làm sai. Hiệu trưởng sai luật có thể bị mất chức. Quyền của chúng ta, ta phải biết để hành xử cho đúng kỷ cương”, ông Điệp nói.
Nói về sự “khép kín” của môi trường công lập, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội quán Các Bà Mẹ) cho biết, nhiều hoạt động của Hội quán vì con trẻ, vì giáo dục đi khắp nơi nhưng rất khó “lách” qua cánh cửa trường công lập, thường là đuổi” ở ngay từ vòng gửi xe. Nhiều hoạt động về giáo dục giới tính, đạo đức, tiếng nói dân chủ... rất khó để vào được trường công.
Nhiều năm làm việc về lĩnh vực giáo dục, nhà báo Khánh Bình thẳng thắn, hệ thống các trường công lập rất né tránh báo chí, thầy cô không dám lên tiếng, phát ngôn về những vấn đề, chủ trương trong giáo dục mà mình trực tiếp tham gia. Ngay cả lãnh đạo ngành giáo dục cũng rất khó tiếp cận dù liên hệ để trao đổi, làm việc về các vấn đề dạy và học. Rất khó để thấy sự dân chủ, tôn trọng ý kiến phản biện trong môi trường sư phạm.
Ông Lê Ngọc Điệp cho biết, ông đã từng đề nghị Bộ GD-ĐT phải thay đổi những chuẩn mực trong giáo dục hiện nay. Một học sinh ra trường phải đầy đủ các phẩm chất về tri thức, thể chất, đạo đức, thẩm mỹ nhưng hiện nay các kỳ thi chỉ nhắm đến tri thức, vì thế đào tạo ra những con người lệch lạc. Tốt nghiệp thì thể chất đạt được tới đâu? Đạo đức đạt mức nào? Bộ phải ban hành các chuẩn đó khi tốt nghiệp sau 12 năm đào tạo. Và chính các trường sư phạm cũng phải đào tạo ra những thầy cô, những nhà quản lý có đầy đủ các phẩm chất ấy.