Bắt đầu xét xử sơ thẩm 2 bị cáo vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh
Hai bị cáo là Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ phường An Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Các bị cáo Phan Thế Thượng (trái) và Trần Văn Giang |
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Biên Hòa, Phan Thế Thượng đứng tên chủ tàu kéo số hiệu SG 3745 công suất 205 CV có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và môi trường (tức giấy đăng kiểm) đã hết hạn từ 16/12/2015; sà lan số hiệu SG 5984 trọng tải 980 tấn do vợ Thượng đứng tên còn thời hạn đăng kiểm được giao cho Thượng quản lý, sử dụng.
Tháng 2/2016, Phan Thế Thượng biết Trần Văn Giang không có bằng thuyền trưởng, Trần Văn Lẹ không có chứng chỉ thủy thủ nhưng vẫn thuê Giang và Lẹ điều khiển tàu kéo và sà lan chở hàng theo tuyến miền Tây đi Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại.
Ngày 19/12/2016, Thượng giao Giang điều khiển tàu kéo đẩy sà lan chở cát đi đến tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên không bố trí đủ định biên thuyền viên theo quy định.
Khoảng 11h30 phút ngày 20/12/2016, Giang điều khiển tàu kéo đẩy sà lan trên sông Đồng Nai theo hướng đi lên thượng nguồn. Đến khu vực cầu Đồng Nai Lớn (tức cầu Ghềnh, thuộc địa phận TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), lúc này thủy triều đang lên mạnh, dòng chảy xoáy và mạnh. Khi sà lan cách trụ cầu khoảng 50m, Giang tăng ga tàu kéo để đẩy sà lan đi qua khoang thông thuyền thì tàu bị chết máy; Giang bỏ vị trí lái xuống hầm máy để khởi động lại máy, sà lan quay ngang.
Khi máy nổ, Giang quay lại vị trí lái thì sà lan đã trôi gần tới trụ cầu số 2. Giang yêu cầu Trần Văn Lẹ tháo dây buộc tàu kéo với sà lan nhưng không kịp; sà lan đã va chạm với mặt ngoài trụ cầu số 2 làm trụ cầu số 2, nhịp số 2 và nhịp số 3 của cầu Ghềnh bị gãy sập xuống sông; chìm tàu kéo và lật sà lan. Trần Văn Giang và Trần Văn Lẹ nhảy xuống sông bơi vào bờ.
Quang cảnh phiên tòa |
Theo cáo trạng, tổng thiệt hại của vụ tai nạn sập cầu Ghềnh là gần 21,8 tỷ đồng. Riêng đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – đơn vị bị thiệt hại yêu cầu bồi thường số tiền hơn 8,9 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Biên Hòa truy tố bị cáo Phan Thế Thượng 2 tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Còn Trần Văn Giang bị truy tố tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Riêng Trần Văn Lẹ không bị truy tố.
Các phương tiện tàu kéo, sà lan và 4 nhịp cầu Ghềnh cũ tiếp tục bị tạm giữ để đảm bảo việc thi hành án.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày./.