Bão tuyết có thể xuất hiện trên sao Hỏa vào ban đêm
Sao Hỏa có thể xuất hiện những trận bão tuyết vào ban đêm. Ảnh: NASA. |
Các nhà khoa học tại Đại học Pierre Curie, Paris, Pháp và cộng sự cho rằng các hạt băng tuyết trong một cơn bão trên sao Hỏa rơi xuống mặt đất chỉ sau vài phút, thay vì rơi nhẹ nhàng trong nhiều giờ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 21/8, News.com.au đưa tin.
Trước đây, người ta cho rằng tuyết từ những đám mây thấp trên sao Hỏa rơi xuống mặt đất chậm rãi và thưa thớt trong điều kiện môi trường không có gió mạnh.
"Nếu đứng trên bề mặt sao Hỏa, bạn sẽ không thấy lớp tuyết dày bao phủ mà nó giống như một lớp sương giá. Bạn không thể làm người tuyết hay chơi trượt tuyết", Aymeric Spiga, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Spiga, bầu khí quyển của sao Hỏa mỏng hơn 100 lần so với Trái Đất, nhưng nó vẫn đủ dày để hình thành thời tiết như mây và gió. Do có ít độ ẩm nên hành tinh đỏ thực chất là một sa mạc lạnh lẽo, hầu như không có nước ở dạng lỏng trên bề mặt.
Spiga và đồng nghiệp xây dựng một mô hình khí quyển mới để mô phỏng thời tiết trên sao Hỏa. Họ phát hiện quá trình lạnh đi của các phân tử băng đá bên trong đám mây trên sao Hỏa vào ban đêm có thể tạo ra những trận mưa tuyết. Mô phỏng của nhóm nghiên cứu phù hợp với dữ liệu quan sát của vệ tinh và robot thám hiểm trên sao Hỏa.
"Chúng tôi nhận thấy sao Hỏa xuất hiện tuyết rơi bên dưới những đám mây bị thổi đi bởi những cơn gió dữ dội", Spiga nói.
Spiga so sánh bão tuyết trên sao Hỏa với hiện tượng thời tiết diễn ra trên quy mô nhỏ ở Trái Đất gọi là bom mưa (microburst), trong đó dòng không khí lạnh mang theo tuyết hoặc mưa rơi xuống nhanh chóng từ một đám mây.
Lê Hùng