Bão số 12 sẽ tăng cường độ khi vào đất liền, gây mưa cực lớn
Sáng nay (2/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và bão số 12 đang hoạt động trên Biển Đông. Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ trì.
Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp. |
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm ngày 2/11, ATNĐ trên vùng biển phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, trong ngày hôm 2/11 ở Nam Bộ tiếp tục có mưa, riêng miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, mưa to.
Về diễn biến cơn ATNĐ khác hoạt động trên Biển Đông gần đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), ông Cường cho biết: 7h sáng nay, ATNĐ này đã mạnh lên thành bão (tên quốc tế là Damrey), cơn bão số 12 năm 2017. Thời điểm hiện tại, bão đang ở cấp 8, giật cấp 10 và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Khi gần vào bờ, bão đi chếch xuống phía Nam.
Bão số 12 di chuyển khá nhanh, khoảng 15-20 km/h. Dự báo, đến ngày 4/11, bão sẽ gây ảnh hưởng đến vùng bờ biển các tỉnh Trung Bộ, Nam Trung Bộ, có thể ảnh hưởng cả đến khu vực Nam Bộ.
“Dự báo, đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4/11, vùng tâm bão sẽ vào vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ và di chuyển tốc độ khá nhanh. Nhưng khi vào gần bờ, bão di chuyển chậm và cường độ sẽ tăng lên, dự báo ở khoảng cấp 10-11, giật cấp 14. Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, có thể ảnh hưởng một chút đến các tỉnh Nam Bộ” – ông Cường nói.
Ông Cường lưu ý, bão số 12 đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ đúng thời điểm có đợt không khí lạnh nên sẽ gây mưa lớn. Mưa tập trung Huế đến Khánh Hòa vào các ngày 3-4/11, từ ngày 5-7/11, mưa lớn mở rộng ra khu vực Hà Tĩnh.
"Lượng mưa rất lớn, vùng mưa có thể di chuyển từ Bắc tới Nam, cũng có thể mưa dồn vào một khu vực, đây là điều nguy hiểm, vì có đài quốc tế dự báo tổng lượng mưa cả đợt lên tới 1.000mm. Cả 2 kịch bản này đều rất nguy hiểm, rơi vào đúng thời điểm mùa mưa ở Trung Bộ, Nam Bộ. Mưa lũ có khả năng lên tới báo động 3, không loại trừ trong những ngày tới chúng ta sẽ đối mặt với loại hình thiên tai báo động trên cấp " - ông Hoàng Đức Cường cho biết.
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo: "Về thủy triều cần lưu ý, vì tháng này đang trong triều cường cao, cộng với sóng bão nên sẽ nguy hiểm cho hệ thống đê biển".
Không để xảy ra lũ nhân tạo
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị cơ quan khí tượng thủy văn cần bám sát diễn biến bão số 12 và thông tin kịp thời cho người dân biết được. Đồng thời, mặc dù ATNĐ ở khu vực Nam Bộ đã suy yếu nhưng cơ quan khí tượng cũng cần chú ý dự báo mưa cho khu vực này trong các ngày tiếp theo.
Thông tin cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết được hướng di chuyển của bão cũng như vùng nguy hiểm để chủ động phương án tránh trú an toàn.
Với các tàu thuyền hoạt động gần bờ, cần căn cứ tình hình cụ thể để kêu gọi ngay vào bờ, bố trí khu vực neo đậu an toàn, thường xuyên thông tin việc này về Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT.
“Vừa qua một số địa phương khi ứng phó với mưa bão đã không chủ động cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa cẩn thận nên đã có những thiệt hại về tài sản. Vì vậy, tôi đề nghị Cục ứng phó thiên tai kết hợp với Cục Dân quân tự vệ cùng với các địa phương xử lý vấn đề này cho tốt” – ông Hoài Lưu ý.
Bão số 12 khi đổ bộ vào bờ được dự báo sẽ gây mưa lớn, các tuyến đường giao thông như quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam có thể sẽ bị chia cắt, do đó, ông Hoài đề nghị Bộ GTVT cần chú ý đặc biệt vấn đề này để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cần thông báo cho các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để có phương án cấm biển, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân.
Về tình hình hồ chứa tại khu vực này đã cơ bản tích đủ nước, một số hồ đã phải xả tràn, do đó, ông Hoài đề nghị các đơn vị liên quan cần có phương áp điều hành hợp lý, tránh xảy ra lũ nhân tạo do việc xả lũ không hợp lý.
Đối với các vùng thấp trũng, vùng có khả năng xảy ra sạt trượt nguy hiểm, các địa phương cần có phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực này.
Cuối cùng, ông Hoài lưu ý, Tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng – nơi mà được dự báo sẽ bị ảnh hưởng thời tiết xấu do bão số 12, đề nghị Bộ Công thương phải rà soát đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện.