“Bão” hạ giá ô tô tiếp diễn ra sao?
Giảm giá chưa từng thấy
Liên tiếp từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đua nhau giảm giá nhiều mẫu xe. Đáng chú ý, ở dòng xe đa dụng (SUV) chứng kiến cuộc cạnh tranh giảm giá khốc liệt giữa Honda CR-V và Mazda CX-5, Nissan X-Trail. Cả 2 mẫu xe CR-V và CX-5 ở thời điểm đầu năm 2016 (thời điểm phiên bản mới được giới thiệu ra thị trường) đều có giá trên 1 tỷ đồng.
Đến nay, sau 19 tháng, Honda CR-V đã giảm hơn 300 - 330 triệu đồng tùy phiên bản. Mức giảm giá này khiến khách hàng đã mua xe vô cùng xót của, trong khi những khách hàng đang có nhu cầu lại thêm do dự.
Đáng nói, người Việt vốn có quan niệm thời điểm này (tháng Bảy âm lịch) là tháng “cô hồn”, kiêng kỵ mua sắm. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử, Honda Việt Nam (HVN) bất ngờ giảm giá bán xe CR-V lên tới 200 triệu đồng so với 2 tháng trước đây. Không những thế, việc tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam là Vingroup nhảy vào lĩnh vực ô tô, khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast hôm 2/9 (trước rằm tháng Bảy 3 ngày) gây bất ngờ cho hàng loạt doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước, khiến họ phải ít nhiều điều chỉnh chiến lược sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.
Dù các doanh nghiệp đã hạ giá bán nhưng vẫn có lợi nhuận. (Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn) |
Nhìn lại từ đầu năm tới nay, những mẫu ô tô giảm giá nhiều nhất chủ yếu lại là xe có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng. Đơn cử, đầu tháng 8 vừa qua, chiếc xe SUV cỡ lớn Wolkswagen giảm giá lên tới 260 triệu đồng. Honda cũng có mức giảm giá cao nhất trong lịch sử của hãng này tại Việt Nam khi giảm tới 192 triệu đồng đối với xe Accord.
Toyota khuyến mãi lên tới 164 triệu đồng đối với xe Land Cruiser Prado TX-L. Toyota Camry 2.5Q cũng giảm giá bán lên tới 120 triệu đồng. Áp lực doanh số trong bối cảnh các đối thủ không ngừng hạ giá khiến dòng xe thuộc dạng hot nhất của Toyota hiện nay là Fortuner 2017 cũng phải xuống giá để thu hút khách hàng (giảm 20-25 triệu đồng tùy phiên bản).
Tại sao các mẫu xe này được giảm giá sâu như vậy, liệu doanh nghiệp có lỗ không? Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, trường hợp của Honda CR-V gây chú ý nhiều nhất bởi nhiều thông tin cho rằng họ đang xả hàng tồn kho để chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu vào đầu năm 2018, đổi đời xe mới.
Việc các hãng khác đua nhau giảm giá liên tiếp thời gian qua, theo ông Tuấn cũng vì hàng tồn kho quá nhiều, phải giảm giá để kích cầu, thậm chí bán cắt lỗ để duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho nhân viên…
Anh Ngọc Thọ, một người am hiểu thị trường ô tô Việt Nam cho hay, dù các hãng giảm giá nhiều song người Việt đang mua một chiếc xe có giá trị thực ít hơn hàng trăm triệu đồng. Do đó, theo anh này, đã đến lúc phải đưa giá xe về sát giá trị thực của nó.
Anh Thọ nhẩm tính, xe Mazda CX5 bản cao nhất hiện được hãng bán tại Việt Nam với giá 899 triệu đồng. Để lăn bánh chiếc CX5 2.5 số tự động thì tổng chi phí khoảng 1,019 tỷ đồng, bao gồm cả lệ phí trước bạ, chi phí đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm... Trong khi đó, giá chiếc CX5 bản cao nhất ở một số nước chỉ 600 triệu đồng. Như vậy, khi về Việt Nam, giá chiếc xe này đã cao hơn lên tới 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn: “Nếu so sánh giá xe thì phải bỏ thuế, phí ra mới công bằng. Thực tế, thuế ở Việt Nam đang cao nhất so với các nước trong khu vực và cả APEC. Tiền thuế chiếm 40-50% tổng giá trị của một chiếc xe khi lăn bánh. Hãng chỉ hưởng lợi nhuận khoảng 10%, đại lý hưởng khoảng 5% trên tổng giá trị chiếc xe tùy vào năng lực tiếp thị và bán hàng. Do đó, thời gian qua chắc chắn có một số mẫu xe phải bán cắt lỗ để đẩy hàng tồn”.
Cắt giảm thuế, ô tô rẻ cỡ nào?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, sau 20 năm triển khai, công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định khi xe tải và xe chở người trên 10 chỗ (xe khách) gần đạt mục tiêu nội địa hóa đề ra (45-50% so với mục tiêu 60%).
Riêng xe chở người dưới 9 chỗ ngồi, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, còn quá xa so với mục tiêu 40% đề ra vào năm 2005. Trong đó, Cty CP ô tô Trường Hải (Thaco) đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam (TMV) đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra (50%).
Từ năm 2017, TMV chỉ còn lắp ráp Vios, Innova, Altis, Camry, chuyển nhập khẩu (NK) mẫu Fortuner từ Indonesia. Trong khi đó, Honda chỉ còn lắp ráp City và CR-V, nhập khẩu Civic, Accord, Odyssey.
Đáp lại, Thaco đẩy mạnh khuyến mãi với Mazda CX-5, Toyota khuyến mãi nhiều với Innova để đạt được tỉ lệ nội địa hóa cao, nhằm giảm giá xe, cạnh tranh với các xe cùng phân khúc nhập về từ khối ASEAN trong năm 2018. Do đó, dự báo giá xe từ giờ đến cuối năm sẽ còn nhiều biến động.
Theo cam kết của Việt Nam với WTO, năm 2018 và 2019 một số dòng thuế NK ô tô dưới 9 chỗ sẽ phải cắt giảm. Cùng đó, từ năm 2018, các dòng xe ô tô nguyên chiếc và một số linh kiện NK từ các nước ASEAN cũng giảm thuế về 0% (thay mức 30% hiện hành, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN).
Biểu thuế Tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018 cũng giảm mạnh dòng thuế này với ô tô nhỏ. Đặc biệt, ít ngày trước Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất - nhập khẩu (XNK) ưu đãi, đề xuất giảm mạnh thuế NK với linh kiện ô tô NK để thực hiện chiến lược phát triển ô tô Việt Nam tới năm 2025, định hướng tới năm 2035.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, đề xuất giảm thuế linh kiện ô tô NK nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và phụ trợ, tạo việc làm. Dù thu thuế NK giảm, nhưng ngân sách nhà nước vẫn hưởng lợi khi thu thuế thu nhập DN tăng lên và giúp giảm nhập siêu ô tô, người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ ô tô giá rẻ, chất lượng cao.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA cũng tin rằng, với những chính sách giảm giá thuế trong những năm tới, chắc chắn giá xe sẽ còn giảm xuống, người tiêu dùng thêm nhiều cơ hội mua các xe giá rẻ, dung tích xi lanh nhỏ.