Áp lực “đổi mới, cải cách” bủa vây thầy cô
Thời gian gần đây, trước sức ép của xã hội về việc phải đổi mới, cải cách giáo dục, Bộ GD - ĐT liên tục có sự thay đổi về phương pháp dạy và học, đổi mới thi cử… Tuy nhiên, sự đổi mới theo kiểu “ăn đong”, không có kế hoạch dài hơi làm cho thầy cô “chạy theo” mệt mỏi.
Sự đổi mới khập khiễng
Không ít sự thay đổi giáo dục của Việt Nam dập khuôn theo nước ngoài. Và chính sự áp dụng không phù hợp với tình hình thực tế đã gây khó cho thầy cô. Đơn cử mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia.
Dù EN được UNESCO, Ngân hàng Thế giới coi là mô hình có chất lượng tốt, nhưng khi áp dụng tại Việt Nam do cơ sở vật chất chưa đáp ứng, trình độ của thầy cô, tư duy của học sinh… chưa theo kịp nên kết quả thu được khá hạn chế, thậm chí phụ huynh một trường tiểu học ở Nghệ An còn kéo nhau đến trường phản đối cách dạy theo mô hình VNEN.
Thầy cô chịu nhiều áp lực từ việc đổi mới (Ảnh minh họa) |
Là một giáo viên phải dạy theo mô hình VNEN, cô T, một giáo viên tiểu học quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Sĩ số mỗi lớp ở các trường công lập thường trên dưới 50 học sinh, dạy theo mô hình VNEN với thiết kế dạy học chủ đạo là hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân, giáo viên không thể bao quát được tất cả học sinh. Vì thế, em nào tiếp thu nhanh thì theo kịp, em nào chậm dễ bị hổng kiến thức.
Cách dạy này yêu cầu giáo viên hằng ngày phải nhận xét bài vở của từng học sinh thì chúng tôi lấy đâu ra thời gian soạn giáo án, làm sổ tích lũy, sổ tay lên lớp… chứ chưa nói đến thời gian dành cho gia đình”.
Cô Q, giáo viên THCS quận Hoàng Mai, Hà Nội than phiền: “Mỗi tháng chúng tôi dạy 4 - 5 lớp, phải nhận xét hàng trăm học sinh theo 3 tiêu chí: kiến thức, năng lực, phẩm chất - quả là áp lực rất lớn. Thế là rảnh lúc nào, giáo viên lại phải lôi sổ ra ghi nhận xét.
Nhận xét quá nhiều khiến chúng tôi bí từ, không tìm ra từ ngữ sát hợp với từng học sinh dẫn tới tình trạng trùng lặp, sáo mòn và cụm từ được lặp đi lặp lại nhiều nhất là: “Em có tiến bộ”, “Em cần cố gắng”… Giáo dục mỗi nước có một đặc thù riêng, trong khi chúng ta thường bắt chước mô hình giáo dục ở nước ngoài theo kiểu dập khuôn, máy móc nên đôi khi phản tác dụng”.
Nỗi sợ làm “chuột bạch”
Cô M, giáo viên tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội mệt mỏi với Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. “Thông tư 30 yêu cầu chúng tôi bỏ chấm điểm thường xuyên, kiểm tra đánh giá bằng nhận xét. Một lớp học trên 50 học sinh, chúng tôi phải nhận xét từng học sinh với rất nhiều mục, rất nhiều nội dung. Về nhà còn phải chấm bài lấy đâu ra thời gian nghiên cứu bổ sung, đào sâu giáo án, đọc sách để nâng cao trình độ…
Bất cập hơn là ngày thường không cho điểm, nhưng đánh giá cuối kỳ, cuối năm học lại bằng điểm số. Học sinh quen với việc cô giáo không cho điểm, đến khi làm bài kiểm tra không khỏi bỡ ngỡ. Đã không đánh giá bằng điểm số thì cuối năm chỉ nên ghi là học sinh hoàn thành việc học tập, chứ nếu ghi vào giấy khen là: Khen thưởng toàn diện (ngầm hiểu là tương đương với học sinh giỏi), khen thưởng bộ môn (ngầm hiểu là tương đương với học sinh tiên tiến) thì chỉ là thay cách khen thưởng này bằng cách khen thưởng khác thôi” - cô M góp ý.
Thầy T, giáo viên THPT quận Cầu Giấy, Hà Nội ngán ngẩm với những thay đổi như chong chóng của Bộ GD-ĐT về phương pháp thi cử. Theo thầy T, Bộ không có kế hoạch dài hơi, mà ăn đong từng năm gây xáo trộn, lúng túng cho giáo viên và học sinh trong quá trình thực hiện. Trong khi kiểu thi chi phối quá trình dạy, nhưng Bộ cứ đầu năm thông báo sự đổi mới thì cuối năm thực hiện ngay.
Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến phương án thi mới cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 theo hình thức thi trắc nghiệm, trừ môn Văn. Vậy là lại diễn ra tình trạng trường dạy tự luận nhưng khi thi lại thi trắc nghiệm. Chỉ còn chưa đầy một năm, nhà trường cũng chỉ luyện cho học sinh biết cách làm đề thi trắc nghiệm, còn để làm tốt học sinh phải đi luyện ở trung tâm.
Nếu có sự thay đổi thì từ khi duyệt phương án đến khi thực hiện phải kéo dài 3 năm thầy trò mới đủ thời gian thích ứng. “Nhà trường cũng yên cầu các tổ bộ môn thay đổi cách dạy cho phù hợp với kiểu thi mới nhưng với đồng lương bèo bọt mà bắt chúng tôi năm nào cũng phải chạy theo đổi mới, vừa nhuần nhuyễn được cách này lại thay đổi cách khác thì chúng tôi chỉ thực hiện đối phó thôi. Mỗi lần thay đổi, thử nghiệm, chúng tôi sợ lắm, vì mình và học sinh bị đem ra làm “chuột bạch” - thầy T tâm sự.
Áp lực chạy theo thành tích!
Phần lớn giáo viên được hỏi đều cho rằng những tiết dự giờ, thao giảng mang tính hình thức, không phản ánh đúng thực chất chất lượng dạy và học. Trừ những tiết dự giờ đột xuất, còn lại các tiết dự giờ đều được báo trước. Thế là cô trò tập dượt trước hằng tuần, thậm chí hằng tháng cho trôi chảy các khâu.
Thường để khỏi bị “cháy” giáo án, thầy, cô thường chọn những lớp khá, giỏi để “diễn”, chỉ định học sinh khá, giỏi trả lời câu hỏi, thậm chí cô trò còn quy ước với nhau khi cô nhíu mày thì trò làm gì, cô nhăn trán thì trò làm gì. Ngày thường có thể dạy chay, nhưng trong những tiết dự giờ là đầy đủ dụng cụ giảng dạy, thậm chí giảng dạy theo giáo án điện tử.
Môn năm bao nhiêu tiết dự giờ từ tổ bộ môn, ban giám hiệu, phòng giáo dục đến Sở, Bộ. Ngoài ra, giáo viên còn phải tham gia các cuộc thi thao giảng để chào mừng Ngày nhà giáo, mừng Đảng, mừng xuân…
Không những thế, thầy cô còn ngán ngẩm nhất với cuộc thi giáo viên dạy giỏi từ cấp trường, cấp huyện đến cấp thành phố. Theo họ, những cuộc thi này cũng mang tính hình thức, cũng tập dượt trước giống như các cuộc dự giờ, có khác chăng là có chấm điểm và xếp loại. Ngoài thi giáo viên dạy giỏi còn có các cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi, giáo viên quản lý giỏi… Mà hầu hết các cuộc thi gần như là giáo viên bị chỉ định phải tham dự.
Cô Q cho rằng: “Các cuộc thi giáo viên dạy giỏi thực chất là những giờ diễn, cô trò là diễn viên và giám khảo là khán giả. Buồn hơn là mỗi lần đi thi, giáo viên mải lo chuẩn bị cho việc thi cử nên chểnh mảng với việc dạy trên lớp, tội cho học sinh”. Thầy T cũng ngao ngán: “Nếu để tiết học diễn ra tự nhiên thì giám khảo sẽ không cho điểm cao. Đi thi không được giải là Ban giám hiệu nhà trường không vui vì ảnh hưởng tới thành tích. Tôi mong Bộ bỏ những cuộc thi vô bổ mà gây tốn kém này đi cho giáo viên đỡ mệt”.
Ngoài những áp lực kể trên, thầy cô giáo còn chịu sức ép từ phía nhà trường phải cho học sinh điểm cao, trong khi kết quả thực tế khá thấp vì danh hiệu thi đua của trường, vì chế độ cộng điểm khi thi lên cấp, vì các trường cao đẳng, đại học xét tuyển hồ sơ. Đấy là chưa kể sức ép từ phía xã hội, từ phía phụ huynh học sinh, nỗi buồn bởi học sinh, xã hội thiếu tôn trọng… Chính bởi sức ép đè nặng mà tình yêu nghề, lòng đam mê với nghề trong họ cứ vơi dần…/.
“Theo một khảo sát cách đây vài năm, tôi đã hỏi hơn 500 giáo viên ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa”. PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).