An Giang: Chung tay xây dựng nông thôn mới
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), An Giang đã có 13/119 xã được công nhận xã NTM.
Kết quả đạt được
Khởi đầu xây dựng NTM từ năm 2011, An Giang chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 36 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí và 81 xã đạt từ 5 tiêu chí trở xuống. Qua 6 năm xây dựng NTM, đến nay không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí, đã có 13/119 xã được công nhận xã NTM. Thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2011 chỉ đạt 16,6 triệu đồng, đến nay tăng lên 27,56 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn từ 10,5% giảm còn 2,8%.
Phát triển nông nghiệp góp phần xây dựng NTM ở An Giang |
6 năm qua, tỉnh An Giang đã huy động tổng nguồn lực xây dựng NTM đạt hơn 5.667 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 2.244 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 1.575 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án gần 239 tỷ đồng, vay tín dụng 705 tỷ đồng, doanh nghiệp khoảng 274 tỷ đồng, dân đóng góp gần 596 tỷ đồng (chiếm 10%).
Trong triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã chú trọng xây dựng, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo trì đường giao thông, tạo thuận lợi trong việc đi lại và vận tải hàng hóa của người dân, giúp giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Từ nguồn vốn ngân sách và huy động sức dân, tỉnh đã đầu tư tráng nhựa mặt đường 2.023 km, đường giao thông nông thôn đến ấp 307 km, đường giao thông nội đồng 102 km và xây dựng mới 477 cầu giao thông; đầu tư nạo vét, mở rộng 878 công trình kênh thủy lợi, tạo nguồn với tổng chiều dài 2.138.743 km, xây dựng mới 583 công trình cống, nâng cấp đê bao kiểm soát lũ 1.367452 km, đầu tư mới 418 trạm bơm điện...
Hiện nay An Giang có 13/119 xã được công nhận xã NTM |
Xây dựng NTM đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, văn minh, thu nhập và đời sống nhân dân cải thiện. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân chuyển biến tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Đối với nông dân, đa số có chuyển biến trong việc tổ chức lại sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. |
Nhìn chung, số xã đạt chuẩn xã NTM và mức độ đạt tiêu chí ở nhiều xã của An Giang còn thấp, do điều kiện đặc thù và việc đánh giá, công nhận đi vào thực chất, đúng theo quy định của Trung ương, không chạy theo thành tích, phong trào. Đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp. Đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân.
Sự hưởng ứng của người dân
Đạt được kết quả trên, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng là vô cùng quan trọng. Trong xây dựng NTM, nông dân và cộng đồng dân cư luôn giữ vai trò là chủ thể, các cấp ủy Đảng và chính quyền đóng vai trò hỗ trợ. Họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng hiệu quả chương trình.
Nhờ vậy, nhiều nông dân và mạnh thường quân đã tích cực cùng chính quyền tham gia xây dựng NTM. Thời gian qua, nhiều nông dân và mạnh thường quân đã huy động 374.309 triệu đồng tiền mặt, đóng góp trên 163.365 ngày công lao động để xây dựng cầu, làm đường giao thông nông thôn, cất nhà tình nghĩa, hiến trên 767.566 m2 đất ở, đất sản xuất nhằm phục vụ các công trình NTM; tặng vật tư xây dựng trị giá khỏang 122.756 triệu đồng…
Từ nguồn vốn đó đã triển khai xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, nâng cấp đê bao kiểm soát lũ, công trình cống, trạm bơm điện và các công trình đầu tư phát triển mạng lưới điện về nông thôn.
Xây dựng NTM đã tạo nên bộ mặt nông thôn xanh sạch đẹp |
Nhằm động viên, khích lệ các tập thể và cá nhân trong đó có người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM, trong 5 năm qua Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 1.920 quyết định khen thưởng, trong đó có 430 tập thể và 1.490 cá nhân được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. Cũng trong năm 2015 -2016, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tặng 14 cờ thi đua cho 11 xã đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để NTM thực sự trở thành phong trào có khí thế thi đua mạnh mẽ, làm cho người dân thực sự trở thành chủ thể xây dựng NTM.
An Giang phấn đấu cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, điện, nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và chất lượng đời sống văn hóa cho dân cư nông thôn. Tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp.
Tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt tiêu chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2020, có 61/119 xã (chiếm 51,26%) hoàn thành 19 tiêu chí NTM, có 1 huyện NTM (huyện Thoại Sơn), thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người, không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. |