AHSS – Bí quyết thành công của Hyundai Elantra
Kể từ khi những chiếc xe hơi đầu tiên được sản xuất dưới dây chuyền công nghiệp hàng loạt năm 1908, công nghệ ứng dụng trên những chiếc xe đã có sự phát triển không ngừng với những cải tiến, phát minh tận dụng thành tựu của khoa học kĩ thuật. Xuất phát từ những chiếc xe thô sơ chỉ bao gồm động cơ, hộp số làm chuyển động một bộ khung thép đặt trên 4 bánh xe, thì ngày nay đã là một loạt những mẫu xe có thể coi là những tác phẩm nghệ thuật đương đại với những tính năng hiện đại mà cách đây 10-20 năm người ta chỉ có thể thấy trong phim viễn tưởng.
Hyundai Elantra. |
Nói về các thành phần quan trọng cấu thành ô tô, nếu ví động cơ là trái tim cung cấp sức mạnh thì hệ thống khung gầm chính là bộ xương bảo vệ và nâng đỡ chiếc xe. Một bộ khung tốt không chỉ bảo vệ cho những người ngồi trong xe, mà còn giúp nâng cao khả năng vận hành đem đến một cảm giác lái thú vị và đặc trưng của mẫu xe đối với khách hàng.
Đặc tính an toàn của khung thép cường lực AHSS
Hyundai Elantra thế hệ mới hiện tại không chỉ tạo ấn tượng bởi thiết kế, mà còn bởi được cấu thành từ bộ khung với 53% thành phần thép cường lực AHSS (Advance High Strength Steel) dùng để chế tạo khung gầm, cột trụ và vỏ bọc thân xe. So với vật liệu thép thông thường, thép AHSS sở hữu rất nhiều những ưu điểm.
Về đặc tính cấu tạo, thép AHSS loại bỏ bớt carbon ở thép thông thường và bổ sung nhiều nguyên tố hóa học khác để giúp cho thép dai chắc hơn, chịu lực tốt hơn, khó bị rỉ sét hơn và nhẹ hơn. Điều này giúp cho trọng lượng bộ khung chế tạo giảm được 30% nhưng sức chịu lực tăng tới 50%.
Cấu trúc chassis AHSS cùng các vùng chịu lực. |
Trong giai đoạn đầu của công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất đã xuất xưởng những mẫu xe với thân vỏ rất cứng - hầu như không biến dạng nhiều khi va chạm. Hệ quả của đặc tính này là toàn bộ lực va chạm đều tác động lên người lái. Ở thời điểm đó, tỉ lệ hành khách tử vong trong các vụ tai nạn là rất lớn. Để khắc phục, những kỹ sư xe hơi đề cập tới khái niệm “vùng biến dạng” (Crumple Zone) và ứng dụng với những chiếc xe ngày nay.
Các vùng biến dạng - thường được đặt phía trước và phía sau xe – có tác dụng hấp thụ lực tác động từ các vụ đâm thông qua việc biến dạng vật liệu, đồng thời giúp “trì hoãn va chạm” với khoang lái chính. Điều đặc biệt nằm ở chỗ trong khi hầu hết các thành phần xung quanh được thiết kế để biến dạng dễ dàng, toàn bộ khoang lái chính lại sẽ được gia cố cứng cáp hơn rất nhiều nhằm bảo vệ hành khách bên trong. Thế mạnh của thép cường lực AHSS nằm ở đây khi những chiếc xe như Elantra có khả năng bảo vệ vững chắc cho người lái trước những va chạm xảy ra hơn hẳn những chiếc xe sử dụng vật liệu thép thông thường do đặc tính chịu lực và dai chắc vượt trội của thép AHSS.
Lái xe thú vị & xanh hơn cùng AHSS
Sự vững chắc của bộ khung Elantra cũng giúp cho cảm giác lái tiến bộ một cách rõ rệt so với thế hệ trước. Điều này có thể được cảm nhận một cách dễ dàng khi cầm lái Elantra ở những cung đường đèo dốc cua liên tục hay chạy ở tốc độ cao và thực hiện những pha đảo làn bất ngờ. Chiếc xe đáp ứng tay lái một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời cho toàn bộ người ngồi trong cabin cảm giác chắc chắn không hề lỏng lẻo hay vặn xoắn. Hiện tại, Elantra là một trong những chiếc xe được đánh giá là cho cảm giác lái tốt nhất phân khúc.
Khung sàn và thân vỏ Hyundai Elantra. |
Bên cạnh đó, với những yêu cầu về vận hành và tiết kiệm nhiên liệu, các nhà chế tạo bắt buộc phải làm ra những chiếc xe nhẹ cân hơn. Với thép cường lực AHSS, tổng trọng lượng xe có thể giảm lên tới 25-39% so với việc sử dụng những loại thép thông thường khác. Theo những thống kê, nếu sử dụng dòng xe này để chở một gia đình có 4 người với tổng trọng lượng từ 170kg đến 270 kg, chiếc xe có thể tiết kiệm được 20-30% lượng nhiên liệu tiêu thụ so với những mẫu xe cùng phân khúc có trọng lượng nặng nề hơn. Điều này không những giúp bạn giảm thiểu chi phí vận hành, mà còn giúp giảm thiểu lượng xả thải khí gây ô nhiễm, góp phần làm xanh môi trường sống.
Bài toán kinh tế với AHSS
Hiện tại, với những chiếc siêu xe giá thành triệu đô, với những yêu cầu về một bộ khung siêu nhẹ mà vẫn đảm bảo được độ vững chắc, những nhà chế tạo hay ứng dụng vật liệu carbon hoặc composite. Tuy nhiên, sự khan hiếm và khó chế tạo của những vật liệu này khiến giá thành của chúng đặc biệt cao và không thể ứng dụng cho những mẫu xe đại chúng như Elantra.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với thép cường lực AHSS là nhôm cường lực, hiện cũng đang được ứng dụng chủ yếu trên những mẫu xe của Ford như F-150. Tuy nhiên, do đặc tính của nhôm là tuy nhẹ nhưng lại “dẻo trên mức cần thiết”, khiến cho khi muốn gia tăng độ cứng cho vật liệu người ta buộc phải pha thêm những thành phần hóa học khác khiến cho nó nặng hơn, khó chế tạo hơn và từ đó việc dẫn đến chi phí cao hơn so với thép cường lực AHSS.
Rõ ràng, thép cường lực AHSS mang những ưu điểm về một loại vật liệu bền hơn, thân thiện hơn đồng thời cũng rẻ hơn về chi phí chế tạo. Với Hyundai, việc ứng dụng AHSS trong việc chế tạo nên những mẫu xe như Elantra đã giúp hãng mang đến cho thị trường một thế hệ sản phẩm thú vị hơn về khả năng vận hành, an toàn hơn về khả năng bảo vệ cũng như chi phí sản xuất rẻ hơn, tạo nên một lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ với những đối thủ cùng phân khúc.../.