4 lý do để học sinh có cái tết không bài tập
Đó là quan điểm của thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Xin chia sẻ cùng độc giả:
Học sinh đang quá tải vì áp lực học hành
Học sinh bây giờ học quanh năm, học sáng, chiều, tối. Nhiều em học như chạy sô, thậm chí ăn cả trên xe, ăn trong lớp học thêm,... Học sinh gần như không có hè!
Vì thế, Tết là thời gian để các em nghỉ ngơi, lấy lại thăng bằng. Trong một lần nói chuyện với chúng tôi, Giáo sư Hồ Ngọc Đại có nói về một ý tưởng làm tôi cứ suy nghĩ mãi: Học sinh cứ học một tháng lại nghỉ một tuần. Hẳn là ông cũng có lý do riêng để đưa ra ý kiến như thế.
Cơ hội vàng để tìm hiểu văn hóa dân tộc
Không có thời gian nào trong năm mà tất cả mọi người đều được nghỉ, được quây quần bên nhau như dịp Tết.
Chúng ta nên khuyến khích các em nhân dịp này giúp gia đình những việc phù hợp với lứa tuổi. Hướng dẫn các em cách ứng xử với ngày Tết, tìm hiểu về văn hóa dân tộc thông qua Tết.
Qua tìm hiểu của tôi, ở lứa tuổi THPT, hầu hết các em đều không biết gói bánh chưng, thậm chí không biết bóc bánh chưng đúng cách. Phong tục ngày Tết, với nhiều em, là cái gì đấy rất xa lạ.
Tôi có 2 con đang học mẫu giáo, những ngày gần Tết này, các cháu được nhà trường tạo điều kiện trải nghiệm rất nhiều hoạt động liên quan đến Tết: Làm hoa, trang trí mâm ngũ quả, làm nem, gói bánh chưng, nặn tò he,... Trong khi đó, các học sinh lớn tuổi hơn, ở trường hầu như không có hoạt động gì liên quan đến Tết.
Các em học sinh đang thực hành nấu ăn |
Hãy để bài vở sang một bên, để các em có thêm thời gian trải nghiệm, được học những điều không có trong sách nhưng rất đỗi cần thiết với con người Á đông.
Ngày Tết chỉ để... làm bài tập
Người lớn đến ngày Tết còn nghỉ thì không có lý do gì lại bắt học sinh làm bài tập dịp Tết.
Thời gian nghỉ Tết của học sinh là không nhiều (như Hà Nội là 8 ngày). Theo quan sát của tôi từ những năm trước, ở nhiều nơi học sinh mất khoảng một ngày để làm bài tập cho một môn, thành ra Tết chỉ để làm bài tập.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng - tác giả bài viết. |
Một đồng nghiệp kể với tôi: Trước Tết, tổ Toán có phân công mỗi giáo viên soạn bài tập một chương để sau Tết nộp, thế rồi qua Tết gặp nhau, chưa ai soạn được bài nào.
Học sinh cũng vậy, các em không còn thời gian để làm bài tập nên nếu giáo viên cứ giao, khả năng cao là các em lại chép của nhau, như thế chả có tác dụng gì.
Cũng có nơi, hiệu trưởng cấm giáo viên giao bài tập Tết cho học sinh. Ai cố tình làm sẽ bị nhà trường giao cho soạn giáo án vào dịp Tết!
Tôi nhớ, trong một trao đổi với báo Dân trí trước đó, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có ý kiến: “Quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội là không gây áp lực căng thẳng cho học sinh. Cấm tuyệt đối giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh vào dịp Tết để các em được vui chơi và dành thời gian về thăm ông bà, họ hàng”.
Chưa khẳng định nghỉ Tết dài sẽ lơ là việc học
Nghỉ Tết cũng là khoảng thời gian để các em được thư giãn cơ thể, bồi dưỡng trí lực, tạm quên để ghi nhớ tốt hơn. Sau vài buổi đi học, cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, các em sẽ bắt nhịp được ngay.
Người lớn chúng ta, trước kia nghỉ 3 tháng hè (không có học thêm), cũng có gì đáng lo ngại đâu.
Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu không giao bài tập Tết thì học sinh sẽ ôm ti vi, máy tính hay dán mắt vào điện thoại cả ngày. Theo quan điểm của tôi, nếu điều đó xảy ra thì lỗi thuộc về phụ huynh. Người lớn cần hướng dẫn, giao việc cho các em để các em không phải là người ngoài cuộc trong dịp Tết, như thế các em sẽ học được nhiều bài học có giá trị mà có thể ở trường các em không được học.
Bên cạnh đó, chúng ta cần trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết, để việc chuẩn bị Tết được chu đáo, việc đón Tết được vui vẻ, ấm cúng, bổ ích và an toàn.
Tết Đinh Dậu đang đến gần, mỗi thầy cô chúng ta cần đặt mình vào vị trí của học sinh, cố gắng để các em có một cái Tết không bài tập.