4 bị can vừa bị khởi tố bắt tay với Vũ “nhôm” như thế nào?
Ngày 9/8, Cơ quan Công an đã khám xét nhà riêng của 4 bị can nguyên là Giám đốc các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng. Được biết, 4 bị can này liên quan đến việc bán hàng loạt các dự án nhà, đất công sản cho Vũ "nhôm". Các doanh nghiệp này đã bắt tay với Vũ “nhôm” như thế nào để chiếm nhà công sản?
Nhà số 2- Hải Phòng thuộc diện thanh tra. |
Trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2015, cá nhân và các Công ty được cho là của ông Vũ "nhôm" đã lần lượt thâu tóm cả trăm nhà, đất công sản ở những vị trí trung tâm thành phố Đà Nẵng, có vị trí đắc địa.
Đặc biệt, việc mua bán, chuyển nhượng các công sản này phần lớn không được công khai, không qua đấu giá, và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, mua rẻ, bán đắt... Đến năm 2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện một số sai phạm liên quan đến cựu Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, một số dự án mua bán, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu bất thường của Vũ "nhôm" dần được làm rõ.
Khu đất 57 Lê Duẩn từng thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng. |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an điều tra việc 9 dự án và 31 nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TP. Đà Nẵng được cho là có liên quan đến Vũ "nhôm".
Ông Nguyễn Công Lang, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng, 1 trong 4 bị can vừa bị khởi tố được cho là có nhiều sai phạm trong việc hàng chục nhà công sản mua bán, chuyển nhượng có dấu hiệu trái pháp luật cho Vũ "nhôm".
3 bị can, nguyên là Giám đốc các doanh nghiệp tại Đà Nẵng bị khởi tố lần này có dấu hiệu "bắt tay" với Công ty Quản lý nhà, mua bán công sản rồi chuyển nhượng lại cho Vũ "nhôm".
Nhà đất 57 Lê Duẩn là đất vàng ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. |
Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng mà bị can Huỳnh Tấn Lộc từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty đã lợi dụng quyền được mua nhà đất công sản (vì đã thuê đất Nhà nước lâu dài) tại 57 Lê Duẩn, bằng hàng loạt các tờ trình, quyết định tham mưu TP, "phù phép" việc mua bán, tách thửa, ra giấy chứng nhận quyền sở hữu đất để rồi cuối cùng cũng đưa “về tay” Vũ nhôm.
Cụ thể, từ 2004, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định (số 4478/QĐ-UB) cho Công ty Cổ phần Công Nghệ phẩm Đà Nẵng của ông Huỳnh Tấn Lộc được thuê đất theo hiện trang sử dụng tại 57 Lê Duẩn, phường Hải Châu 1, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Nhà đất 57 Lê Duẩn. |
Tháng 3/2008, Công ty này xin mua nhà 57 Lê Duẩn và được TP đồng ý chủ trương. Sau một vài động thái trình - duyệt để tận dụng tối đa sự ưu ái, đến 8/2010, Công ty Quản lý nhà của ông Nguyễn Công Lang tính giá trị đất tại 57 Lê Duẩn là: 62.718.745.000 đồng và sau đó UBND thành phố quyết định phê duyệt giá chuyển quyền sử dụng đất là 62.718.745.000 đồng.
Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng được giảm thêm 10% trên tổng số tiền sử dụng đất vì nộp tiền trong vòng 30 ngày. Năm 2014, nhà đất tại số nhà 57 Lê Duẩn đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tách thửa, cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 5.2015, bà Phạm Thị Xuân Thúy nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên 2 thửa đất.
Tuy vậy, trên thực tế, Phan Văn Anh Vũ đứng sau toàn bộ quá trình bán nhà và chuyển sử dụng đất này. Thủ đoạn tương tự này cũng xảy ra trong việc mua bán các nhà công sản mà TP giao cho Công ty Công ty CP Du lịch Đà Nẵng của bị can Phan Ngọc Thạch; Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng của bị can Trần Phi vừa bị khởi tố cùng ông Huỳnh Tấn Lộc.
Cùng liên quan đến vụ án, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") bị khởi tố ba tội danh là “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tháng 4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh, Khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến - nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (2011-2014) cùng 2 nguyên lãnh đạo Sở Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường./.