10 sự kiện và thành tựu nổi bật tỉnh Thái Nguyên năm 2016
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên triển khai thực hiện các Nghị quyết quan trọng, các chương trình, đề án định hướng cho cả nhiệm kỳ 2015 - 2020
Các đại biểu tiến hành lễ động thổ khởi công Các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu. Ảnh: Hoàng Tú |
Với quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp điều hành, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XIX đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung trí tuệ xây dựng, cho ý kiến và quyết định nhiều chủ trương quan trọng, trong đó tiêu biểu là 8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm có vai trò định hướng cho cả nhiệm kỳ. Kết quả các phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được cụ thể hóa bằng các Kết luận, Nghị quyết bám sát với tình hình thực tiễn để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nổi bật là việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, triển khai các dự án lớn như: Khu du lịch trọng điểm Quốc gia Hồ Núi Cốc; Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, TP Thái Nguyên; Nghị quyết về xây dựng thành phố Sông Công trở thành đô thị loại II vào năm 2020; Nghị quyết số 05 về xây dựng và phát triển thị xã Phổ Yên đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020…
Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ là tiền đề quan trọng để cả hệ thống chính trị cùng chung tay xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; là trung tâm Vùng trung du, miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
2. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia bầu cử tại khu vực bầu cử số 4, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên. Ảnh: Minh Thúy |
Năm 2016, Thái Nguyên tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,6%.
Thái Nguyên đã kiện toàn các chức danh chủ chốt HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, đảm bảo các tiêu chí về cơ cấu, trình độ, năng lực điều hành thực hiện thắng lợi các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả bằng những quyết định đúng pháp luật, sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của địa phương.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng thể hiện rõ vai trò của mình trên các diễn đàn Quốc hội và các buổi thảo luận với các ý kiến trí tuệ, trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng để đóng góp vào các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
3. Thái Nguyên duy trì là cực tăng trưởng của cả nước
Năm 2016, Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước về giá trị xuất khẩu, ước đạt trên 19 tỷ USD. Ảnh: Minh Thúy |
Với nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác điều hành của UBND tỉnh, năm 2016, Thái Nguyên tiếp tục duy trì ở cực tăng trưởng mạnh của cả nước, đạt 15,2%, vượt 3,2% kế hoạch; đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong các tỉnh Vùng Trung du miền núi phía Bắc; đứng thứ 4 trong 10 tỉnh vùng thủ đô Hà Nội (sau Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Nội); đứng thứ 3 cả nước về giá trị xuất khẩu, ước đạt trên 19 tỷ USD; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 477.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2016, toàn tỉnh tiếp tục có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản phẩm Trà Thái Nguyên đạt giải Bạc tại Cuộc thi búp chè vàng khu vực Bắc Mỹ.
4. Thu ngân sách đạt 9.500 tỷ đồng, vượt thu 3.000 tỷ đồng
Năm 2016 là năm thứ 2 liên tục Thái Nguyên vượt thu ngân sách cao. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, song Thái Nguyên đã nỗ lực thu ngân sách Nhà nước đạt 9.500 tỷ đồng, vượt thu 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Đây là nguồn lực quan trọng để góp phần thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thái Nguyên quyết tâm và phấn đấu thu bù chi và có kết dư về ngân sách Trung ương trước năm 2020.
5. Thái Nguyên khởi động nhiều dự án đầu tư lớn
Tỉnh Thái Nguyên và 10 doanh nghiệp ký kết hợp tác đầu tư tại Lễ Công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và động thổ xây dựng đường Hồ Núi Cốc. Ảnh: Cẩm Vân |
Năm 2016, Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện quy hoạch này, tỉnh đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Lễ động thổ là kết quả của chính sách chú trọng cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị vì một Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Cũng trong năm 2016, Thái Nguyên đã khởi công Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, TP Thái Nguyên, Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên Indevco; thu hút đầu tư nhiều dự án lớn như dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Vincom; dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị tỉnh Thái Nguyên và vùng lân cận. Duy trì và thu hút doanh nghiệp FDI vào các khu công nghiệp, hiện có 110 dự án, tổng vốn đăng ký 7,5 tỷ đô la Mỹ, đã giải ngân 5 tỷ đô la Mỹ.
Kết thúc năm 2016, Thái Nguyên đã có 677 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 143.000 tỷ đồng; cấp phép mới cho 23 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 132,85 triệu USD. Đây là kết quả minh chứng cho những nỗ lực trong công tác điều hành nền kinh tế của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên.
6. Thái Nguyên vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 23 cá nhân và Bằng khen của UBND tỉnh cho 16 tập thể, 24 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015. Ảnh: Cẩm Vân |
Theo kết quả công bố năm 2016, Thái Nguyên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước được đánh giá là có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015; đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI (vượt 1 bậc so với năm 2014), đứng trên các tỉnh Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa. Trong khu vực miền núi phía Bắc, Thái Nguyên xếp thứ 2 sau tỉnh Lào Cai. Theo đánh giá của VCCI, Thái Nguyên là một trong những địa phương có chỉ số tăng hạng nhanh nhất từ trước đến nay. Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 - Par in dex, Thái Nguyên cũng là tỉnh đứng thứ 22 trong 64 tỉnh, thành, vượt 20 bậc so với năm 2014.
7. Thái Nguyên đã đăng cai tổ chức thành công Sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016
Các đại biểu thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Sự kiện "Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016". Ảnh: Hoàng Tú |
Lần đầu tiên Thái Nguyên được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc chọn để tổ chức Sự kiện "Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016" . Thành công của sự kiện đã để lại nhiều ấn tượng cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
Thông qua sự kiện đã có 8 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá trên 56 tỷ đồng, qua đó thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ trên mọi mặt ngày càng hiệu quả hơn, đưa khoa học công nghệ trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khu vực Trung du, miền núi phía Bắc nói riêng.
8. Khởi động Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới Quốc gia
Năm 2016, Thái Nguyên đã khởi động Dự án cấp điện cho các thôn, bản của tỉnh Thái Nguyên tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Đây là dự án an sinh xã hội nổi bật nhất, là kết quả hợp tác, chia sẻ khó khăn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc với tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, hạ tầng lưới điện cho 76 xóm, bản chưa được đầu tư điện lưới Quốc gia đã chính thức được khởi động với tổng kinh phí trên 207 tỷ đồng, trong đó tập trung ưu tiên cho 35 xóm, bản thuộc các xã vùng cao ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ hoàn toàn chưa có điện lưới Quốc gia với tổng kinh phí là 146 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tham gia trồng cột điện đầu tiên khởi động cho Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới Quốc gia |
Dự án không chỉ đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà còn là động lực cho các chương trình về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đề ra.
Cũng trong năm 2016, Thái Nguyên có tổng lượng điện tiêu thụ trên 4 tỷ KW/h, đứng thứ 2 trong khu vực miền Bắc.
9. Văn hóa, xã hội, an sinh được đảm bảo
Bệnh viện A Thái Nguyên đón 3 bé đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: Mạnh Đức |
Năm 2016, Thái Nguyên giải quyết việc làm cho 26.000 người, tạo việc làm mới cho 15.000 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. Lĩnh vực y tế có nhiều thành công như: ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đón 3 cháu bé đầu tiên ra đời tại Bệnh viện A Thái Nguyên; thực hiện thành công kỹ thuật tim mạch can thiệp tại Bệnh viện C, cứu sống 2 bệnh nhân đầu tiên, đánh dấu thành công bước đầu về kỹ thuật điều trị tim mạch cho bệnh nhân trên địa bàn.
Lần đầu tiên Thái Nguyên ưu tiên dành nguồn lực 100 tỷ đồng ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 5 năm 2016 – 2021 về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ với Đại học Thái Nguyên nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên về các nguồn tài nguyên, các giá trị truyền thống, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng. 3 nhà giáo được phong chức danh Giáo sư và 20 Phó Giáo sư. Lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được quan tâm, kiểm soát.
Trên lĩnh vực thể thao thành tích cao, đoàn vận động viên thể thao thành tích cao đạt 190 huy chương các loại.
10. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội tiếp tục đảm bảo và ổn định
Bến xe khách trung tâm TP Thái Nguyên được khánh thành vào ngày 22/7/2016. Ảnh: Cẩm Vân |
Là năm đầu tiên Thái Nguyên tổ chức đồng loạt lễ giao nhận quân 1 đợt theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 ở tất cả 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, đảm bảo đủ chỉ tiêu với 1.800 tân binh lên đường nhập ngũ. Tình hình an ninh, trật tự trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, an ninh nông thôn, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn có nhiều chuyển biến; Tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2016. Việc xã hội hóa bến xe khách Thái Nguyên là chủ trương đúng đắn được thực hiện kịp thời nhằm giải quyết tình trạng quá tải giao thông trong TP Thái Nguyên mà nhiều năm chưa làm được.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2017 với mục tiêu tổng quát: Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí./.