Năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, tạo nhiều thách thức mới cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất gia tăng, nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp. Trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương bám sát chỉ đạo của Trung ương, triển khai quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nhiều ngành, lĩnh vực. Nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội. |
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc tại Thái Nguyên. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, góp phần tiến tới hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm thực hiện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5, Trung ương 6, khóa XIII, được quan tâm, đổi mới hình thức tổ chức, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị, dự sinh hoạt cùng các chi bộ Đảng, qua đó kịp thời nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và đứng thứ 4 cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt giá trị 931,7 nghìn tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, đạt trên 31 tỷ USD. Thái Nguyên cũng duy trì trong tốp đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI, với số vốn FDI tăng thêm trong năm trên 1,5 tỷ USD và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Cùng với du lịch, thương mại và dịch vụ trên địa bàn cũng phục hồi nhanh chóng, tạo thế chân kiềng trong phát triển bền vững. |
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 119/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới với 8 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đề án xây dựng huyện Định Hóa trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 được tập trung thực hiện với sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội, sự đồng hành, chia sẻ của Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. |
Thái Nguyên là tỉnh thứ 7 trong cả nước được thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là tỉnh đạt tỷ lệ đồng thuận cao nhất trong số 7 tỉnh, với 100% số phiếu tán thành. Kết quả này thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, cùng sự quyết tâm lớn, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, tạo sức bật để Thái Nguyên ngày càng khẳng định vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc và là động lực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, công tác quy hoạch được chú trọng cũng tạo đà cho xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Năm 2022, Phổ Yên chính thức được nâng cấp lên thành phố, hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch và trở thành thành phố thứ 3 của tỉnh Thái Nguyên. Huyện Đồng Hỷ và huyện Đại Từ đang tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cấp xã Hóa Thượng lên thị trấn và sáp nhập xã Quân Chu với thị trấn Quân Chu thành thị trấn Quân Chu. Nhiều dự án khu dân cư, điểm dân cư, khu đô thị được trình phê duyệt và triển khai đầu tư, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho các đô thị. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành tuyến đường Vạn Xuân, thuộc quảng trường Vạn Xuân, trung tâm thành phố Phổ Yên. |
Về phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm. Nhiều dự án, công trình quy mô lớn được khởi động, tạo sức lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả vùng, như: Khởi công xây dựng Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; khởi công dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2; ra quân triển khai dự án đường du lịch Sông Công - Núi Cốc. Nhiều dự án, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tạo diện mạo mới cho các đô thị và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, như: Đường tỉnh 261; Đường tỉnh 266; Nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc; đường Việt Bắc giai đoạn 2 và nhiều hạng mục đầu tư từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. |
Nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc được đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo giao thông ở khu vực này. |
Chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục được triển khai với lộ trình rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần đưa Thái Nguyên lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số (tăng 4 bậc so với năm 2020). Chuyển đổi số cũng góp phần trực tiếp vào công tác cải cách hành chính thông qua việc minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; qua đó đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Tinh thần chủ động, linh hoạt trong chuyển đổi số từ thực tiễn kinh nghiệm triển khai của Thái Nguyên đã được lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia” của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên được chọn là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm và đạt kết quả tích cực, được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. |
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh và cả nước: Chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2022); 75 năm Bác Hồ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên (10/1947 - 10/2022); tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (24/12/1972 - 24/12/2022). Các sự kiện được tổ chức không chỉ nhắc nhớ lịch sử, tri ân thế hệ đi trước, mà còn nhân lên niềm vinh dự, tự hào, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, quyết tâm dựng xây một Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển. |
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (24/12/1972 - 24/12/2022) |
Trong năm 2022, các hoạt động văn hóa, thể thao đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức và đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quan trọng của cả nước và của tỉnh. Thể thao Thái Nguyên đóng góp 14 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng tại Giải vô địch cờ vua trẻ Đông Á 2022; 4 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc tại SEA Games 31; xếp thứ 14/65 đoàn tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Một số công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn được quan tâm, đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, xứng tầm. Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư không chỉ là phong trào sâu rộng mà trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cộng đồng dân cư. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm và có bước phát triển rõ rệt. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, ứng dụng chuyển đổi số, tạo tài khoản an sinh cho hộ nghèo, cận nghèo là chủ trương đổi mới, nhằm giúp các gia đình tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,14% xuống còn 4,49% (giảm 1,65% so với năm 2021). Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tạo điều kiện để phục hồi kinh tế - xã hội. Các chính sách hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, thiết thực. |
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. |
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên và diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022 đạt kết quả xuất sắc. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, góp phần quan trọng, tạo môi trường hấp dẫn, an toàn, thu hút đầu tư, phát triển kinh tê - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. |
Thái Nguyên đi qua năm 2022 với rất nhiều dấu ấn đáng tự hào. Đó là thành tựu đạt được, đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tiếp tục nỗ lực vượt gian khó, nhân lên ý chí tự lực tự cường, cùng khát vọng phát triển. Để Thái Nguyên tiếp tục khẳng định những dấu ấn mới trên hành trình phía trước./. |