“Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của đề án, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giúp đồng bào nhanh chóng nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Cúc Đường là một xã khó khăn của huyện Võ Nhai. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xã vùng cao Cúc Đường đã có nhiều thay đổi tích cực. Cáp quang đã đến tận xóm, giờ đây người dân tại địa phương khó khăn của tỉnh Thái Nguyên có thể ngồi ở nhà để thực hiện những thủ tục hành chính, qua môi trường số hoặc được chăm sóc sức khỏe qua nền tảng khám bệnh từ xa. Trường học, Trạm y tế và hàng trăm hộ dân có thể tiếp cận những công cụ, dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại. |
“Bà con nhân dân trong xóm rất vui vẻ hưởng ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nhờ chuyển đối số người dân làm thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận tiện hơn trước rất nhiều.” Ông Ma Văn Huân, Trưởng xóm Bình Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên |
Hiện, xã Cúc Đường đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử vào tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Phần mềm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Để đảm bảo hạ tầng thực hiện chuyển đổi số, đường truyền cáp quang đã được triển khai lắp đặt. Toàn xã Cúc Đường hiện có 5/5 xóm được phủ sóng mạng 4G; cùng với đó, hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt tại trụ sở UBND xã và tại các nhà văn hóa xóm. |
“Hiện nay, công dân hoặc tổ chức nào đến làm việc, thực hiện thủ tục hành chính thì cũng đã rất thuận lợi, ví dụ như không phải thanh toán tiền mặt mà thanh toán qua mã QR Code; trên hệ thống một cửa UBND xã cũng đã thực hiện các quy trình đảm bảo nhanh gọn, thuận tiện cho người dân.” Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên |
Thời gian qua, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chuyển đổi số tại các hội nghị, thông qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; duy trì chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử, bản tin chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh. Huyện cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của huyện, xã; chú trọng phát triển hệ thống truyền thanh cấp xã, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về lĩnh vực KT-XH. Tính đến nay, 100% các xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đã có internet cáp quang; tỷ lệ các xóm, bản có sóng 3G, 4G đạt trên 92%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông mình đạt 89%… Nhờ đẩy mạnh nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, 100% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, an ninh trật tự… |
Chương trình Livestream “Phiên chợ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên”. Nguồn ảnh: chuyendoiso.thainguyen.gov.vn |
“Thời gian qua, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các đơn vị viễn thông đảm bảo đường truyền internet và sóng điện thoại di động cho người dân; phối với Bưu điện cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại 15/15 xã, thị trấn và hỗ trợ điện thoại thông minh cho học sinh để phục vụ cho việc học tập.” Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai, Thái Nguyên |
Đồng hành cùng tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua các đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều hỗ trợ về trang thiết bị nhằm phục vụ các xóm, bản khó khăn trong công tác chuyển đổi số. Các xóm, bản khó khăn trước đây với sự hạn chế trong giao tiếp và tiếp cận thông tin bây giờ đã có thể kết nối và mở rộng thông qua công nghệ. Các trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh đã giúp dân tộc thiểu số tiếp cận được thông tin, kiến thức, cũng như các dịch vụ hữu ích như giáo dục, y tế và kinh tế số. |
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin và các ban, ngành của huyện tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để hướng dẫn cho bà con ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh cử thanh niên, phụ nữ có trình độ tiếp thu công nghệ thông tin tốt đi dự các lớp tập huấn của Ban Dân tộc tỉnh tổ chức để về hướng dẫn chuyển đổi số cho bà con trong cộng đồng dân cư của các xóm, bản.” Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên |
Bác sĩ của Trạm Y tế xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và Trung tâm Y tế huyện thực hiện ca chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân được kết nối qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên |
Nhằm xóa những “vùng lõm” viễn thông trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, các ngành chức năng và các địa phương đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên... lắp đặt 70 trạm BTS, trong đó tập trung nhiều ở xóm đặc biệt khó khăn tại các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa. Việc phát triển mạng lưới các trạm BTS nhằm mở rộng diện phủ sóng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở những vùng khó khăn của tỉnh, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 01 của Đảng bộ tỉnh. |
“Chỉ tính riêng năm 2022, Viettel Thái Nguyên đã triển khai lắp đặt 52 trạm BTS trên địa bàn tỉnh đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng trắng sóng. Thời gian tới, Viettel Thái Nguyên sẽ tích cực tham gia vào chương trình chuyển đổi số của Thái Nguyên, tiếp tục triển khai hạ tầng viễn thông tại các khu vực khó khăn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với chương trình chuyển đổi số của UBND tỉnh Thái Nguyên.” Ông Lưu Quang Tuấn, Trưởng phòng Hạ tầng, Viettel Thái Nguyên |
Thời gian qua, từ nguồn vốn của tỉnh, Ban Dân tộc đã tổ chức 16 hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho trên 1.000 lượt người tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, học viên là các bí thư, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên tổ công nghệ số cộng động sẽ được hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ cơ bản, cài đặt, sử dụng ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen, ThaiNguyen-ID, đăng ký tài khoản, tìm kiếm dịch vụ công và sử dụng các dịch vụ công mức độ 2-3-4 của tỉnh, huyện, xã.... Hiện nay, hầu hết các xã đều có trạm BTS 3G và 4G đảm bảo hoạt động tốt. Các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ, mở rộng phủ sóng về khu vực vùng sâu, vùng xa; chất lượng mạng lưới, dịch vụ ngày được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn được trang bị máy tính để làm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết công việc cho người dân. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (tháng 9/2021). Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyen |
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tạo nền tảng cho chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, với đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi quyết tâm rất cao của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc cũng như sự phối hợp của người dân. |
“Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trong năm 2023 để đưa vào ứng dụng thực tế. Đồng thời, phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông xây dựng 37 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.” Ông Hoàng Phong, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên |
Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên tăng cường tập huấn, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông tin phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp vào bộ dữ liệu dân tộc thiểu số; tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho người làm công tác dân tộc trên địa bàn. |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những thành công của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Những nỗ lực của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng cao./. |
*************
Thực hiện: Trương Hiếu - Tố Hương