Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Thái Nguyên đã làm tốt vai trò Căn cứ địa tuyệt mật - Thánh địa kháng chiến, nơi nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng cho cả dân tộc. Mảnh đất này tự hào đã đồng hành cùng chiến khu Việt Bắc, viết nên một trang rạng rỡ Thủ đô kháng chiến trong lịch sử dân tộc. |
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp càng ngày càng lộ rõ. Căng thẳng chính trị từng bước leo thang. Bất chấp những nỗ lực đàm phán hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp ngang nhiên xé bỏ Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946), xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước ta. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một số đồng chí thực hiện nhiệm vụ củng cố Căn cứ địa Việt Bắc, xây dựng ATK cho Trung ương. Với vị trí chiến lược “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, thế mạnh nhân hòa và địa lợi, địa hình có núi rừng hùng vĩ, Định Hóa - Thái Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và lựa chọn xây dựng trung tâm Căn cứ địa tuyệt mật. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói về quyết định này của Bác Hồ: “Bác cho đây là căn cứ địa trong khu giải phóng mà “tiến khả dĩ công đánh về Hà Nội, thoái khả dĩ thủ”. Lúc cách mạng tháng 8 thành công thì Bác có nói là “Căn cứ địa Việt Bắc đã đưa chúng ta đến thắng lợi trong cách mạng tháng 8, căn cứ địa Việt Bắc sẽ đưa chúng ta đến thắng lợi trong kháng chiến”. Căn cứ địa là quan trọng!”. Tổng hành dinh rút khỏi Hà Nội. Cuộc tổng di chuyển được ghi chép lại như một cuộc “thiên đô”. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Định Hóa - Thái Nguyên. Cả một guồng máy Nhà nước gồm: các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, cùng nhân dân tiến lên Việt Bắc, lên Định Hóa trong trật tự, bí mật, an toàn. Cùng với Việt Bắc, Thái Nguyên mở rộng vòng tay đón hàng ngàn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận lên tản cư. Nơi núi rừng Định Hóa, Thủ đô gió ngàn, thủ đô kháng chiến dần hình thành. Vùng rừng núi còn nghèo khó, lạc hậu, nhưng đầy ắp nghĩa tình với cách mạng, với đồng bào, giờ đây đang lớn hẳn lên, đông đúc, nhộn nhịp. |
Di tích lán Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) |
Thái Nguyên có nhiều lợi thế về “địa” và “nhân” để xây dựng đất đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Từ Định Hóa có thể mở rộng, phát triển ra 3 hướng: Hướng bắc lên Chợ Đồn, Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn); phía tây sang Sơn Dương, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); phía nam và đông nam giáp các huyện Đại Từ, Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên). Điều này tạo nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc; chặng đường di chuyển lại không quá xa, nên luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hài lòng với những “văn phòng” dã chiến giữa lòng dân của mình Trên có núi Trong bộ phim tài liệu "Thái Nguyên trong lòng Tổ quốc", ông La Công Lợi, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy Định Hóa, khi còn sống từng kể về không khí lúc đó rất sôi nổi và ấm áp nghĩa tình: “Khi biết cơ quan trung ương lên thì mọi người đều ý thức được rằng cơ quan mới lên là bước đầu chân ướt chân ráo là có nhiều khó khăn, cho nên là nhà nào cũng sẵn sàng với một tinh thần là ngoài việc nhường nhà cho cán bộ và cơ quan ở, thì cũng có ý thức là có gì ăn nấy, nghĩa là có cơm thì nhường cơm, có chăn thì nhường chăn, lúc đó tức là gì? Mọi người lên ở quây quần với nhau như là một gia đình”. Từ ATK Thái Nguyên, hàng loạt quyết định lịch sử quan trọng ra đời. Các binh đoàn chủ lực được thành lập trên cơ sở các quyết định từ Tổng hành dinh đóng ở Định Hóa và cũng đứng chân trên Thủ đô kháng chiến. Nhiều quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa. Các quyết định mở những chiến dịch lớn trong suốt cuộc kháng chiến cũng xuất phát từ đây. Tất cả các cuộc tiến công của địch lên ATK Thái Nguyên đều bị bẻ gãy. Cuối tháng 9/1953, trong căn lán nhỏ tại Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hóa), Bộ Chính trị họp bàn chủ trương tác chiến 1953-1954. Cũng tại đây, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của chiến thắng “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”! |
Di tích lán Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hóa) |
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Rõ ràng, Thái Nguyên là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây. Và từ đây, Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện”. Thái Nguyên tự hào đã đồng hành với Việt Bắc, viết nên một trang rạng rỡ Thủ đô kháng chiến trong lịch sử dân tộc. Trang sử ấy, đất và người Thái Nguyên đã viết bằng trọn vẹn nghĩa tình nước non! |